Hành vi của các nhà đầu tư liên quan đến quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư là một trong những nhân tố quan trọng có ảnh hưởng đến hoạt động marketing lãnh thổ. Nghiên cứu về hành vi lựa chọn địa điểm của nhà đầu tư cho phép chủ thể marketing hiểu được thái độ, hành vi cũng như nhu cầu và mong muốn của nhà đầu tư. Qua đó, địa phương có những chính sách phù hợp để làm cho “địa điểm đầu tư địa phương” thích nghi và đáp ứng mong đợi đó của nhà đầu tư. Hơn nữa, chủ thể marketing cũng có cơ sở đưa ra biện pháp giúp thay đổi thái độ và hành vi của nhà đầu tư cho phù hợp với mục tiêu thu hút nhà đầu tư của địa phương.
Nhà đầu tư lựa chọn địa điểm đầu tư sẽ cân nhắc dựa trên thông tin về sản phẩm địa phương để giảm thiểu sự không chắc chắn liên quan đến quyết định đầu tư, cả về phương diện định tính và định lượng. Độ dài thời gian của quá trình lựa chọn địa điểm đầu tư thay đổi tùy theo loại dự án đầu tư (sản xuất, phân phối, nghiên cứu), các phương tiện và nguồn lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Quy trình ra quyết định của nhà đầu tư có tính linh hoạt, không cố định và duy nhất. Nhà đầu tư trước khi đầu tư thường xây dựng tiêu chuẩn đánh giá mức độ hấp dẫn của một địa điểm đầu tư dựa trên kinh nghiệm của các nhà đầu tư khác trong cùng ngành làm cơ sở tham khảo. Dựa trên kinh nghiệm và dữ liệu thông tin về địa phương, nhà đầu tư có xu hướng tham khảo thông tin và nhận tư vấn thông qua các trung tâm xúc tiến đầu tư địa phương hoặc các chuyên gia tư vấn.
Dự báo triển vọng và xác lập marketing địa phương: Từ những phân tích tình thế, kết hợp các thông tin thị trường và mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội địa phương thực hiện các dự báo marketing trong kỳ chiến lược dài hạn (5, 10 năm) làm luận cứ xác lập mục tiêu chiến lược marketing địa phương. Các mục tiêu chiến lược marketing địa phương nhằm thu hút đầu tư bao gồm:
(1) Tăng trưởng quy mô đầu tư và tỉ lệ lấp đầy KCN; (2) Phát triển cơ cấu đầu tư theo ngành công nghiệp; (3) tăng trưởng suất đầu tư bình quân/1000m2 diện tích KCN; (4) Các mục tiêu chiến lược ưu tiên theo vị trí “lấp đầy” trong KCN, theo ngành công nghiệp và công nghệ, mục tiêu phát triển, theo sức mạnh nhà đầu tư lớn; (5) Các mục tiêu hiệu suất chuyển hóa từ vốn đầu tư đăng ký thành vốn đầu tư thực hiện; (6) Các mục tiêu phòng ngừa rủi ro, xung đột.
Để lại một bình luận