Phần trên đã nghiên cứu kinh nghiệm của hai nước điển hình và có số lượng người lao động di cư lớn so với các nước khác trên thế giới, có lượng kiều hối lớn và lịch sử di cư tìm việc làm ở nước ngoài lâu dài. Phi-líp-pin là một nước thành viên ASEAN song không lấy mục tiêu thị trường ASEAN là chính trong khi Băng-la-đét là nước ngoài khu vực song di chuyển và cạnh tranh rất nhiều với lao động nội khối, đặc biệt tại thị trường Xing-ga-po, một thị trường khó tính của ASEAN. Có thể thấy rằng, ở các mức độ khác nhau, cả hai nước đều xác định lao động đi làm việc ở nước ngoài là chính sách và định hướng lớn và thực hiện các biện pháp để quản lý hiệu quả lao động đi, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường kỹ năng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Từ những nghiên cứu này, có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam:
Thứ nhất, lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là lao động có kỹ năng, được xác định là một giải pháp lâu dài góp phần vào phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Điều này thể hiện qua lượng kiều hối gửi về để tái đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội và tận dụng chất xám của người lao động quay trở về. Đây là một giải pháp phù hợp với các nước có nguồn cung lao động lớn, khả năng giải quyết việc làm trong nước còn nhiều hạn chế và đang phát triển như Việt Nam. Tham gia vào di chuyển lao động kỹ năng quốc tế là góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề, tăng nguồn ngoại tệ và tăng tính cạnh tranh cũng như sự linh hoạt của thị trường lao động Việt Nam. Đây chính là cơ hội để những nước đang phát triển, có nhân lực dồi dào như Việt Nam có thể nhanh chóng đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Thứ hai, xây dựng các chương trình, giải pháp tổng thể để từng bước nâng cao chất lượng lao động, chuyển hướng dần từ đưa lao động phổ thông sang xuất khẩu lao động trình độ cao/có chuyên môn. Đặc biệt là phải nâng cao năng lực, kỹ năng, kiến thức, trình độ ngoại ngữ; tăng cường nhận thức và thái độ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hướng chuyên nghiệp; đánh giá đúng nhu cầu lao động kỹ năng của nước tiếp nhận và thúc đẩy hợp tác về giáo dục dạy nghề với nước tiếp nhận nhằm tăng cường công nhận trình độ lẫn nhau theo song phương, đa phương, gây dựng niềm tin của thị trường lao động nước tiếp nhận đối với lao động đi.
Thứ ba, đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng bộ hóa chiến lược với tổ chức thực hiện; đảm bảo tính khả thi của chính sách ở tất cả các cấp. Phải quản lý được các dòng di chuyển lao động kỹ năng để hạn chế những tác động tiêu cực tới nền kinh tế, đặc biệt là chảy máu chất xám trong những ngành cần phải giữ lao động kỹ năng phục vụ cho nhu cầu trong nước; tận dụng được những nguồn lực kiều hối và kỹ năng để tái đầu tư và tái cơ cấu nền kinh tế, làm cơ sở phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh mới và phù hợp với những thế mạnh về kỹ năng và tiềm lực của LLLĐ.
Thứ tư, không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý lao động trong nước, nước ngoài phù hợp và thống nhất, khuyến khích lao động di chuyển; tăng cường hệ thống các dịch vụ hỗ trợ di chuyển từ trước, trong và sau khi đi và pháp luật bảo hộ người lao động khi ra nước ngoài làm việc; hoàn thiện hệ thống tổ chức, quản lý, thực hiện cả ở trong nước và ngoài nước.
Thứ năm, tôn trọng và đánh giá cao những đóng góp của người lao động di cư vào việc phát triển đất nước kể cả về nguồn lực tài chính và kỹ thuật, chủ động trong việc bảo vệ người lao động di cư, mở rộng độ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội và tạo các mạng lưới tiếp nhận, xử lý các vấn đề của người lao động di cư một cách phù hợp thông qua hợp tác song phương với các nước tiếp nhận.
Thứ sáu, đổi mới căn bản hệ thống giáo dục và đào tạo nghề theo hướng hội nhập với khu vực và quốc tế để tạo năng lực thực sự cho người lao động trong tương lai bao gồm cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Khuyến khích sự tham gia của các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề vào hệ thống chấm điểm/xếp hạng giáo dục và đào tạo khu vực và thế giới; mời gọi sự tham gia của các doanh nghiệp/người sử dụng lao động hay hiệp hội có uy tín vào quá trình đào tạo nhằm tạo danh tiếng và niềm tin vào chất lượng giáo dục trong nước, gắn với chuẩn đầu ra được các nước tiếp nhận công nhận.
Để lại một bình luận