Về trình độ CMKT, năm 2016 cả nước có 11,39 triệu lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ (gọi tắt là lao động có CMKT, bao gồm các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học), chiếm 20,92% tổng LLLĐ. Trong đó có 5,02 triệu người có trình độ đại học trở lên (chiếm 44,1%), hơn 1,74 triệu người có trình độ cao đẳng (chiếm 15,26%), 2,89 triệu người có trình độ trung cấp (chiếm 25,39%), 1,74 triệu người có trình độ sơ cấp nghề (chiếm 15,25%). Tỷ lệ tương quan giữa trình độ đại học trở lên với các trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề tương ứng là 1-0,35-0,58-0,35; cho thấy sự bất hợp lý trong cơ cấu lao động có CMKT theo các cấp trình độ, phản ánh tình trạng thiếu kỹ sư thực hành và công nhân kỹ thuật bậc trung, bậc cao trong nền kinh tế.
Trong hơn 10 năm qua (2007-2016), LLLĐ có CMKT vẫn tăng chậm, bình quân tăng thêm 356 nghìn người/năm (3,88%/năm). Đặc biệt, nhóm lao động có trình độ sơ cấp nghề và trung cấp lại giảm (tương ứng với -0,42%/năm và -1,14%/năm) trong cùng giai đoạn, trong khi vẫn còn hàng chục triệu lao động chưa qua đào tạo. Đáng lưu ý, số lượng lao động có trình độ cao đẳng và đại học trở lên tăng khá nhanh (tương ứng 7,88%/năm và 9,81%/năm trong giai đoạn 2007-2016) do sự mở rộng nhanh chóng của hệ thống giáo dục đại học trong những năm qua, song vẫn còn khá phổ biến tình trạng lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên bị thất nghiệp hay chấp nhận làm các công việc giản đơn, trái ngành nghề do không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Đặc biệt, trong bối cảnh tăng cường hội nhập quốc tế và chuyển giao công nghệ mới, lao động Việt Nam còn thiếu các kỹ năng kỹ thuật và các kỹ năng làm việc cốt lõi.
Để lại một bình luận