Về mặt số lượng, di chuyển của lao động Việt Nam trong ASEAN vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong các dòng di chuyển của lao động Việt Nam ra thế giới.
Trong năm 2017, trong tổng số 134.751 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chỉ có 1.551 lao động Việt Nam đi làm việc ở ASEAN (Ma-lai-xia), chiếm 1,15% tổng lao động Việt Nam di chuyển (Phụ lục 3). Số lao động đi ASEAN giảm dần theo các năm, đối ngược lại với xu hướng tăng dần lao động đi ra các thị trường ngoài ASEAN. Lao động Việt Nam đi ASEAN năm 2017 đã giảm 87% so với năm 2008 (12.220 người) trong khi lao động đi các nước khác tăng 178% (từ 74.770 người lên 133.200 người).
So với các nước thành viên ASEAN khác, số lao động Việt Nam đi làm việc trong nội khối chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Trong tổng số 488.107 lao động ASEAN đi làm việc trong ASEAN năm 2016 từ 6 nước phái cử lao động chính và Thái Lan, chỉ có 2.109 lao động Việt Nam sang ASEAN làm việc, chiếm 1,7% tổng lao động di chuyển nội khối của cả ASEAN (Bảng 3.3).
Về phân bổ theo các thị trường trong khu vực, trong giai đoạn 2008-2017 trong tổng lao động Việt Nam đi ASEAN (119.150), lao động Việt Nam di chuyển nhiều nhất sang thị trường Ma-lai-xia (63.305 người), chiếm 54% song số lượng không ổn định. Năm 2010, số lượng người lao động Việt Nam sang Ma-lai-xia lên tới 11.741 người và giảm dần trong những năm tiếp theo và xuống 1.551 người vào năm 2017. Đứng thứ hai trong số các thị trường ASEAN là Lào với 33.643 người, chiếm 28% song từ năm 2015 và 2017 chỉ có 01 lao động sang Lào làm việc vào năm 2016. Cam-pu-chia là thị trường tiếp nhận lao động lớn thứ 3 trong ASEAN của Việt Nam trong giai đoạn này với tổng số 18.536 lao động (chiếm 15,6%) song từ năm 2015 không có lao động sang làm việc nữa. Các thị trường Xing-ga-po và Bru-nây là những thị trường có một số người Việt Nam sang làm việc trước đây song càng giảm và chiếm rất ít, thậm chí không có lao động đi đến Bru-nây từ 2014 và Xing-ga-po năm 2017 trong khi đây là thị trường thường thu hút lao động có kỹ năng cao với mức lương hấp dẫn. Thái Lan, theo đăng ký cũng chỉ có 36 lao động Việt Nam đi làm việc vào năm 2010 và không có lao động Việt Nam nào di chuyển đến In-đô-nê-xia và Phi-lip-pin giai đoạn 2008-2017 (Phụ lục 3).
Nghiên cứu xu hướng lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian vừa qua, có thể nhận thấy thị trường lao động ASEAN ngày càng không phải là điểm đến hấp dẫn của các công ty tuyển dụng lao động đi cũng như bản thân người lao động, đặc biệt từ sau năm 2015 khi lao động có xu hướng giảm đi trong ASEAN và chuyển sang thị trường không phải ASEAN. Không thể tiếp cận thị trường lao động có kỹ năng, trong khi đó, một số thị trường lao động nước ngoài của Việt Nam tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động Việt Nam làm ngành tương tự như ASEAN như thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Ả rập Xê-út, Hàn Quốc trong giai đoạn 2010-2017 có mức lương hấp dẫn (600-1.200 đô la Mỹ), cao hơn nhiều so với thị trường Ma-lai- (khoảng 300 đô la Mỹ). Một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng một số nhóm ngành nghề mới mà ta có khả năng đáp ứng tốt và có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao hơn… tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn nữa cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài [55]. Những yếu tố này khiến thị trường Ma-lai-xia và ASEAN không còn hấp dẫn với người lao động Việt Nam.
Để lại một bình luận