Việc đánh giá chất lượng lao động theo các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực là đòn bẩy giúp các cơ sở đào tạo tự phải thay đổi và chuyển biến để đáp ứng yêu cầu chung, tịnh tiến đến các tiêu chuẩn đảm bảo khả năng cạnh tranh của sinh viên tốt nghiệp và do đó nâng cao năng lực cạnh tranh của LLLĐ của Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu này, cần phải: xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về năng lực nghề nghiệp và yêu cầu chất lượng đối với các cấp, bậc, ngành nghề đào tạo dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp và đại học) cũng như các tiêu chuẩn thiết bị kỹ thuật đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo nhân lực; thực hiện việc đánh giá và cấp chứng chỉ quốc gia theo tiêu chuẩn quốc gia được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế hoặc hướng đến các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Đồng thời, chú trọng đến việc hoàn thiện hệ thống giám sát, kiểm định và đánh giá đảm bảo chất lượng, thực hiện giám sát và đánh giá độc lập, xã hội hoá, công khai hoá và minh bạch hoá quá trình và kết quả giám sát, kiểm định và đánh giá chất lượng đào tạo. Trong quá trình này, cần khuyến khích và có những giải pháp thúc đẩy việc tự chuẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế của các cơ sở đào tạo và tham gia vào hệ thống đánh giá khu vực và quốc tế nhằm xác định đúng vị trí và chất lượng đào tạo và để xây dựng ý thức vươn lên trở thành các cơ sở đào tạo có danh tiếng trong khu vực và trên thế giới.
Để lại một bình luận