Xây dựng và vận hành hệ thống thống kê về di cư nhằm hoàn thiện chính sách và quản lý lao động di chuyển.
Các nước phát triển hơn trong ASEAN đều có hệ thống thống kê và quản lý số liệu di cư theo ngành nghề, trình độ chuyên môn kỹ thuật, tuổi, giới tính và nước đến. Hệ thống này rất có lợi cho việc quản lý, theo dõi, đánh giá người lao động trong quá trình di cư, xác định các xu hướng, dòng di cư, đặc biệt là dòng di cư của lao động có kỹ năng, phát hiện kịp thời những vấn đề, những nhóm lao động nữ và nam đang thiệt thòi hoặc chịu nhiều hệ lụy trong quá trình di cư. Hệ thống dữ liệu này được quản lý thống nhất và được chia sẻ cho các đối tác có liên quan và thông suốt giữa cơ quan quản lý lao động trong nước và cơ quan đại diện ở nước ngoài. Đây là căn cứ thực tiễn quan trọng cho đề xuất các chính sách, giải pháp, dịch vụ hỗ trợ các nhóm lao động di cư và phát triển thị trường việc làm ngoài nước. Đồng thời, là nguồn căn cứ quan trọng trong việc kết nối việc làm với lao động trở về với những kỹ năng phù hợp với công việc trên thị trường lao động trong nước.
Nâng cao chất lượng hệ thống dự báo, thông tin, phân tích thị trường lao động trong nước và trong ASEAN.
Do vậy, Nhà nước phải chủ động dự báo, cung cấp thông tin, xu hướng thị trường lao động, kể cả ở trong nước, trong khu vực và trên tầm quốc tế để các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chủ động lựa chọn ngành nghề đào tạo, phương thức cung cấp kiến thức, kỹ năng cho người học thích ứng với thị trường lao động và yêu cầu của những ngành, nghề mới. Người lao động, qua đó, cũng chủ động lựa chọn định hướng nghề nghiệp cho chính mình dựa trên dự báo của nhà nước; chủ động tham gia học tập, tích lũy tri thức và rèn luyện kỹ năng để tìm kiếm việc làm phù hợp, góp phần vào hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và có thể tham gia thị trường lao động khu vực và quốc tế.
Cần xây dựng một cổng thông tin điện tử quốc gia về thị trường lao động trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN hoặc thúc đẩy hợp tác về cung– cầu trên thị trường lao động ở cấp khu vực; thí điểm sàn giao dịch, chợ việc làm trong Cộng đồng ASEAN với thông tin thiết thực về chính sách, tiêu chuẩn, mức tiền lương, điều kiện sinh hoạt để người dân dễ dàng tiếp cận; Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động sẽ giúp các cơ sở Giáo dục và Đào tạo, Giáo dục nghề nghiệp có thể đáp ứng với nhu cầu về kỹ năng hiện tại và tương lai của các doanh nghiệp và các ngành kinh tế. Bên cạnh đó, cần phân tích dự báo thông tin thị trường lao động khu vực ASEAN nhằm đánh giá, nắm bắt kịp thời những biến động của thị trường để có chính sách điều chỉnh phù hợp.
Theo dõi, cập nhật nhu cầu việc làm đối với 8 nhóm nghề di chuyển theo MRAs và các nghề có nhu cầu lao động cao khác của các nước trong khu vực; xây dựng và tổ chức tốt thông tin giữa hệ thống hướng nghiệp, thông tin tư vấn, đào tạo dạy nghề, dịch vụ việc làm và doanh nghiệp. Hình thành ngân hàng việc làm đối với 8 nhóm nghề tham gia di chuyển theo MRAs trong ASEAN. Đây là căn cứ cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp chủ động quyết định lựa chọn ngành nghề đào tạo, phương thức cung cấp kiến thức, kỹ năng cho người học thích ứng với các phân khúc khác nhau của thị trường lao động trong khu vực và của từng nước.
Nâng cao năng lực của các trung tâm dịch vụ việc làm quốc gia, vùng và địa phương nhằm thực hiện tốt chức năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ việc làm và di chuyển lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng thông qua kết nối và chia sẻ thông tin giữa người lao động với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong nước với các hiệp hội và doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Điều này đòi hỏi sự hợp tác, kết nối giữa các trung tâm dịch vụ việc làm trong nước và các trung tâm dịch vụ/trung tâm cung ứng nhân lực của các nước ASEAN. Về mặt quản lý vĩ mô, cần xúc tiến, nghiên cứu, đàm phán để hình thành mạng lưới các trung tâm dịch vụ việc làm ASEAN. Việc hình thành mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm ASEAN sẽ tạo điều kiện và cơ sở để thúc đẩy hình thành một thị trường lao động chung trong AEC, tạo điều kiện cho lao động các quốc gia, trong đó có Việt Nam có sự lựa chọn tốt hơn khi tham gia di chuyển trong thị trường lao động khu vực.
Để lại một bình luận