Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, minh bạch, bình đẳng, hấp dẫn, thân thiện gắn với sự phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội đi trước một bước cũng như phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và tay nghề của người lao động… là điều kiện quan trọng để kinh tế phát triển trong điều kiện ngày càng mở và hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.
Trình độ, năng lực quản lý thể hiện ở năng lực ban hành chính sách, năng lực thực thi chính sách hiệu quả và năng lực quản lý sự thay đổi trong một thế giới thay đổi với tốc độ ngày càng nhanh. Năng lực quản lý ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động tiếp tục sẽ là một thách thức cho tiến trình phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, địa phương. Nhận thức và tư duy phát triển, tư duy kinh tế của mỗi quốc gia, địa phương trong từng quốc gia có sự khác nhau nhất định, phụ thuộc vào trình độ, năng lực, tính năng động của người đứng đầu và bộ máy lãnh đạo của chính phủ và địa phương. Ở những quốc gia, địa phương lãnh đạo có tư duy đổi mới, có tầm nhìn xa, năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm và chủ động ban hành các chính sách kinh tế để khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương thì những quốc gia, địa phương đó phát triển nhanh, mạnh (Ixaren, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đức…)
Sự phát triển của khác nhau giữa các địa phương không chỉ phụ thuộc vào tư duy phát triển mà còn chịu sự tác động của cơ cấu tổ chức vận hành, năng lực của bộ máy quản lý hành chính, trình độ chuyên môn, năng lực thực thi công việc, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức địa phương. Trong thực tế, cùng một hệ thống hành chính nhà nước, nhưng ở nhiều địa phương bộ máy tinh gọn, quy trình xử lý công việc hợp lý, công khai, minh bạch, đội ngũ công chức công tâm, thạo việc sẽ giúp chính quyền xử lý công việc, ban hành và thực thi chính sách với người dân, doanh nghiệp thuận lợi, thông thoáng, kiến tạo, hỗ trợ, vì người dân, vì doanh nghiệp… sẽ tạo điều kiện để địa phương huy động tốt các nguồn lực cho phát triển và ở đó có sự phát triển tốt.
Trong khi đó có những quốc gia, địa phương giàu nguồn lực, có tiềm năng, lợi thế nhưng cơ cấu bộ máy cồng kềnh, đội ngũ cán bộ công chức thiếu chuyên nghiệp, đạo đức công vụ không tốt dễ gây nhũng nhiễu, tiêu cực thì khó có chính sách tốt cũng như việc thực thi chính sách có hiệu quả, thậm chí còn cản trở sự phát triển.
Nguồn tài nguyên, lao động và nguồn lực tài chính được xem là điều kiện quan trọng, vừa là điều kiện cần vừa là điều kiện đủ quyết định cho sự phát triển của mối quốc gia và địa phương. Khi có nguồn lực tài chính sẽ giúp cho quốc gia cũng như địa phương chủ động đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tốt, đồng bộ, hiện đại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, giảm chi phí trung gian, giảm giá thành, nâng cao NLCT cho doanh nghiệp. Đặc biệt khi nguồn lực tài chính dồi dào sẽ giúp các quốc gia, địa phương chủ động, mạnh dạn trong việc ban hành cũng như triển khai các chính sách kinh tế hỗ trợ cho doanh nghiệp. Có thể khẳng định rằng phần lớn các chính sách kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp của mối quốc gia, địa phương (đất đai, tín dụng, KHCN, đào tạo…) đều sử dụng ngân sách Nhà nước. Vì vậy, nguồn lực, nguồn lực tài chính có tác động ảnh hưởng quan trọng đến chính sách kinh tế của mối quốc gia và địa phương hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Để lại một bình luận