Đối với KTV hành nghề
a) Quyền của KTV hành nghề (Điều 17 Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12)
Khi hành nghề tại DNKT, chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam, KTV hành nghề có các quyền sau đây:
– Hành nghề kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập;
– Độc lập về chuyên môn nghiệp vụ;
– Yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm toán; yêu cầu kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ của đơn vị được kiểm toán liên quan đến nội dung kiểm toán; kiểm tra toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị được kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán;
– Kiểm tra, xác nhận các thông tin kinh tế, tài chính có liên quan đến đơn vị được kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán.
– Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết có liên quan đến nội dung kiểm toán thông qua đơn vị được kiểm toán.
– Quyền khác theo quy định của pháp luật.
b) Nghĩa vụ của KTV hành nghề (Điều 18 Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12)
Khi hành nghề tại DNKT, chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam, KTV hành nghề có các nghĩa vụ sau đây:
– Tuân thủ nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập;
– Không can thiệp vào hoạt động của khách hàng, đơn vị được kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán;
– Từ chối thực hiện kiểm toán cho khách hàng, đơn vị được kiểm toán nếu xét thấy không bảo đảm tính độc lập, không đủ năng lực chuyên môn, không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
– Từ chối thực hiện kiểm toán trong trường hợp khách hàng, đơn vị được kiểm toán có yêu cầu trái với đạo đức nghề nghiệp, yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc trái với quy định của pháp luật;
– Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức hàng năm;
– Thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp;
– Thực hiện kiểm toán, soát xét hồ sơ kiểm toán hoặc ký báo cáo kiểm toán và chịu trách nhiệm về báo cáo kiểm toán và hoạt động kiểm toán của mình;
– Báo cáo định kỳ, đột xuất về hoạt động kiểm toán của mình theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Tuân thủ quy định của Luật Kiểm toán độc lập và pháp luật của nước sở tại trong trường hợp hành nghề kiểm toán ở nước ngoài;
– Chấp hành yêu cầu về kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính;
– Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
c) Các trường hợp mà KTV hành nghề không được thực hiện kiểm toán (Điều 19 Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12)
– Là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ phần, góp vốn vào đơn vị được kiểm toán;
– Là người giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát hoặc là kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán;
– Là người đã từng giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán cho các năm tài chính được kiểm toán;
– Trong thời gian hai năm, kể từ thời điểm thôi giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán;
– Là người đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề công việc ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính hoặc thực hiện kiểm toán nội bộ cho đơn vị được kiểm toán;
– Là người đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề dịch vụ khác với các dịch vụ (gồm: ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính hoặc thực hiện kiểm toán nội bộ cho đơn vị được kiểm toán) có ảnh hưởng đến tính độc lập của KTV hành nghề theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán;
– Có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là người có lợi ích tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp đáng kể trong đơn vị được kiểm toán theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán hoặc là người giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán;
– Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
d) Các hành vi nghiêm cấm đối với KTV, KTV hành nghề: (Khoản 1, 2 Điều 13 Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12)
– Mua, nhận biếu tặng, nắm giữ cổ phiếu hoặc phần vốn góp của đơn vị được kiểm toán không phân biệt số lượng;
– Mua, bán trái phiếu hoặc tài sản khác của đơn vị được kiểm toán có ảnh hưởng đến tính độc lập theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán;
– Nhận hoặc đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ đơn vị được kiểm toán ngoài khoản phí dịch vụ và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng đã giao kết;
– Sách nhiễu, lừa dối khách hàng, đơn vị được kiểm toán;
– Tiết lộ thông tin về hồ sơ kiểm toán, khách hàng, đơn vị được kiểm toán, trừ trường hợp khách hàng, đơn vị được kiểm toán chấp thuận hoặc theo quy định của pháp luật;
– Thông tin, giới thiệu sai sự thật về trình độ, kinh nghiệm và khả năng cung cấp dịch vụ của KTV hành nghề và DNKT, chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam;
– Tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, thông đồng với khách hàng và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác;
– Thực hiện việc thu nợ cho đơn vị được kiểm toán;
– Thông đồng, móc nối với đơn vị được kiểm toán để làm sai lệch tài liệu kế toán, báo cáo tài chính, hồ sơ kiểm toán và báo cáo sai lệch kết quả kiểm toán;
– Giả mạo, khai man hồ sơ kiểm toán;
– Thuê, mượn chứng chỉ KTV và Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán để thực hiện hoạt động nghề nghiệp;
– Cung cấp dịch vụ kiểm toán khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập;
– Hành nghề kiểm toán với tư cách cá nhân;
– Giả mạo, cho thuê, cho mượn hoặc cho sử dụng tên và chứng chỉ KTV, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán để thực hiện hoạt động kiểm toán;
– Làm việc cho hai DNKT, chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam trở lên trong cùng một thời gian;
– Hành vi khác theo quy định của pháp luật.
Để lại một bình luận