Trong thời gian tới, đối với Hà Tĩnh thì nguồn NSNN vẫn giữ vị trí rất quan trọng đối với nhiệm vụ XDNTM, vì vậy, việc sử dụng kênh huy động của Nhà nước nhằm tập trung các NLTC vào NSĐP để phân bổ NLTC cho XDNTM là giải pháp quan trọng hàng đầu. Tăng cường NSNN cho XDNTM gồm cách thức làm tăng quy mô của NSNN, đồng thời tăng mức phân bổ NSNN cho đầu tư XDNTM. Để thực hiện giải pháp này, cần chú trọng một số vấn đề sau:
Một là, hoàn thiện chính sách quản lý NS theo hướng phân cấp và mở rộng quyền tự chủ cho các cấp ngân sách. Những năm qua, Hà Tĩnh đã áp dụng chính sách phân cấp quản lý NSNN cho cấp cơ sở và có kết quả đáng khích lệ, song chính sách phân cấp quản lý NSNN vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Do đó, trong giai đoạn tới, Hà Tĩnh nên tiếp tục đổi mới công tác phân cấp quản lý NS của tỉnh theo hướng bảo đảm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm khai thác các thế mạnh của từng huyện, từng xã để tăng thu cho NSĐP. Việc phân cấp quản lý NS phải đảm bảo các yêu cầu: Phân cấp nguồn thu phải gắn sát với thực tế, hiệu quả, đơn vị nào thực hiện tốt nhất thì giao cho đơn vị đó thực hiện, không nên cùng một nguồn thu có nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý nhằm tránh tình trạng quản lý chồng chéo, kém hiệu quả; Việc phân định nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu và bổ sung có mục tiêu phải ổn định trong thời kỳ ổn định NS tối thiểu từ 3 đến 5 năm và với một số sắc thuế, phí, khoản thu, tỷ lệ điều tiết có thể ổn định lâu hơn nhằm khắc phục sự giằng co mỗi khi thảo luận dự toán NS theo định kỳ; đồng thời, tăng cường tính chủ động của NS cấp dưới trong việc xây dựng dự toán của những năm ổn định NS tiếp theo. Cho phép chính quyền cấp huyện được trực tiếp thu theo quy định và hưởng tỷ lệ (%) số thu trực tiếp từ các DN đóng trên địa bàn huyện, nhằm khuyến khích cấp huyện cùng với tỉnh tạo môi trường đầu tư, tích cực cải cách thủ tục hành chính để thu hút nguồn vốn đầu tư bên ngoài. Việc phân cấp, phân quyền sẽ khuyến khích tăng thu, có cơ chế tạo nguồn, nuôi dưỡng, huy động nguồn thu từ đóng góp của dân và các tổ chức, DN trên địa bàn… Hơn nữa, phân cấp rõ ràng sẽ làm tăng cường vai trò chủ động, tích cực của chính quyền các cấp hơn trước và UBND các cấp sẽ phấn đấu tăng thu NS để có nguồn chi cho
XDNTM. Phân định hợp lý sự tham gia của các NLTC cho XDNTM. NLTC từ NSNN sẽ có điều kiện tập trung vào những công trình chính, phát huy vai trò nguồn “vốn mồi” để kích thích sự tham gia của các NLTC khác.
Hai là, khai thác có hiệu quả giá trị các quỹ đất nhằm tập trung NLTC từ đất đai vào NSĐP để cân đối NLTC XDNTM. Cách làm này nhằm biến nguồn lực từ đất đai trở thành nguồn thu NS thông qua kênh huy động nguồn lực của nhà nước để phân bổ đầu tư xây dựng CSHT. Có thể triển khai theo hai hình thức: giao đất tạo vốn bằng việc mở rộng phạm vi thu hồi đất của dự án xây dựng công trình giao thông; giao đất tạo vốn nằm ngoài phạm vi xây dựng công trình hạ tầng của dự án. Ngoài ra, quy hoạch các khu đất có vị trí thuận lợi, khả năng sinh lợi cao; tiến hành giải tỏa mặt bằng xây dựng hạ tầng để giao đất theo hình thức bán đấu giá. Tiến hành tăng tỷ lệ điều tiết các khoản thu từ đất đai cho chính quyền cấp huyện, cấp xã, nhằm khuyến khích các cấp chính quyền chủ động, tích cực hơn trong việc quản lý, khai thác nguồn thu từ đất để đầu tư XDNTM tại địa phương. xây dựng phương án thanh lý, chuyển mục đích sử dụng đối với cơ sở vật chất các trường, nhà văn hóa thôn sau khi sáp nhập không sử dụng và có chính sách hỗ trợ riêng cho các thôn mới sáp nhập về mở rộng, xây dựng mới cơ sở vật chất nhà trường, nhà văn hóa thôn và khu thể thao…
Ba là, tiết kiệm chi thường xuyên dành nguồn lực cho XDNTM. Xây dựng dự toán NS theo các mục ưu tiên và gắn với kết quả đầu ra, linh hoạt trong điều hành ngân sách. Hoàn thiện nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách; đề xuất các chính sách đặc thù thúc đẩy sự phát triển Hà Tĩnh gắn với XDNTM. Tiếp tục rà soát để cắt giảm, đình, hoãn, giãn tiến độ và chuyển đổi phương thức đầu tư đối với công trình, dự án chưa thực sự cấp bách, cấp thiết, các dự án không hiệu quả hoặc kém hiệu quả để tập trung NLTC cho các công trình trọng điểm, công trình chuyển tiếp và hoàn thành nhằm sớm phát huy hiệu quả sau đầu tư. Tăng cường kiểm soát thanh, quyết toán vốn đầu tư giữa chủ đầu tư, cơ quan quản lý vốn, kho bạc nhằm giúp tiết kiệm thời gian, chi phí quản lý cho chủ đầu tư.
Bốn là, có chính sách hỗ trợ riêng, mang tính đặc thù cho các thôn, xã thuộc các vùng có điều kiện KT-XH khác nhau. Thực tế cho thấy, cứ những vùng nào có thu nhập thấp, đời sống nhân dân khó khăn, có nhiều hộ nghèo thì việc huy động đóng góp của cộng đồng, đặc biệt là từ các hộ nghèo bao gồm cả đóng góp bằng tiền, vật liệu thi công và ngày công lao động rất khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ chung XDNTM của cả thôn, xã, do đó cần phải xây dựng chính sách đặc thù cho các đối tượng này.
Để lại một bình luận