Shimp và Sharma (1987) cho rằng thuật ngữ “chủ nghĩa vị chủng” (ethnocentrism) được giới thiệu lần đầu tiên bởi học giả Sumner vào năm 1906. Người có hành vi vị chủng thể hiện quan điểm nhìn nhận bản thân họ là trung tâm của mọi sự vật hiện tượng và những người bên ngoài phải tham chiếu họ khi đánh giá (Sharma và cộng sự. 1995). “Người tiêu dùng vị chủng sẽ có khuynh hướng phản đối những người, các biểu tượng, những giá trị không tương đồng về văn hóa, trong khi những người trong nhóm sẽ thấy hãnh diện bởi những nét văn hóa tương đồng” (Herche 1994, trang 6). Dưới khía cạnh hành vi tiêu dùng, Balabanis và Diamantopoulos (2004) cho rằng “chủ nghĩa vị chủng” có thể giải thích cho việc ủng hộ hàng nội hay tẩy chay hàng ngoại của người tiêu dùng ở một quốc gia. Lý do là “khách hàng vị chủng có những niềm tin rằng mua hàng nhập ngoại là sai trái và vô đạo đức bởi vì nó gây tổn hại đến nền kinh tế trong nước và có thể gây ra tình trạng mất việc làm” (Shimp và Sharma 1987, trang 280). Phụ lục 1 trình bày bảng tổng kết các nghiên cứu liên quan đến chủ nghĩa vị chủng và hành vi tẩy chay.
Hướng thứ hai mà các nhà nghiên cứu tiếp cận là khám phá và kiểm định các yếu tố tác động đến “vị chủng tiêu dùng” điển hình như Balabanis và cộng sự. (2001); Kongsompong (2005); Kongsompong và Powtong (2012).
Hướng thứ ba nhận được nhiều sự quan tâm nhất của các học giả là hướng xem xét các yếu tố tác động đến “vị chủng tiêu dùng” và đồng thời xem xét “vị chủng tiêu dùng” tác động như thế nào đến “dự định tiêu dùng hàng nội/ngoại”, “sự sẵn lòng tiêu dùng hàng nội/ngoại” hoặc “tiêu dùng hàng nội” điển hình như: Herche (1994); Sharma và cộng sự. (1995); Klein và cộng sự. (2006); Chryssochoidis và cộng sự. (2007); Nguyen và cộng sự. (2008); Wei (2008); Ahmad và Juhdi (2009); Dmitrovic và cộng sự (2009); Erdogan và Uzkurt (2010); Josiassen và cộng sự. (2011); Parts và Vida (2011).
Các tác giả nêu trên kiểm định mô hình tại nhiều thị trường đã phát triển cũng như đang phát triển. Kết quả kiểm định mối quan hệ giữa “chủ nghĩa vị chủng” và “hành vi dự định/sự sẵn lòng/hành vi tiêu dùng” còn một số tranh luận ở các thị trường và trên các loại sản phẩm. Wang và Chen (2004) tổng kết rằng người tiêu dùng có khuynh hướng mua hàng ở các quốc gia có nền kỹ nghệ phát triển vì họ cho rằng chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn so với các hàng hóa được sản xuất ở các nước kém phát triển hơn. Ở các nước đã phát triển, người tiêu dùng có khuynh hướng nghĩ rằng hàng hóa nội địa có chất lượng tốt hơn hàng nhập ngoại (Wang và Chen, 2004). Ngược lại, điều này không xảy ra với người tiêu dùng ở các nước đang phát triển như Nigieria, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn và TQ. Ở những quốc gia này người tiêu dùng có đánh giá rằng hàng nhập ngoại có chất lượng cao hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt nếu chúng được sản xuất ở các nước đã phát triển (Vida và Reardon, 2008). Trong một nghiên cứu ở các thị trường như Croatia, Serbia, Bosnia – Herzegovina và Montenegro; Dmitrovic và cộng sự. (2009) phát hiện ra “chủ nghĩa vị chủng” có tác động tích cực đến “hành vi tiêu dùng hàng nội”. Kết quả này được khẳng định thêm từ nghiên cứu của Rybina và cộng sự. (2010) ở thị trường Kazakhstan.
Ngoài ra, khi đánh giá đồng thời mối quan hệ giữa “vị chủng tiêu dùng”, “sự ác cảm của người tiêu dùng” và “hành vi tẩy chay” có xuất xứ từ một quốc gia bị ác cảm thì các kết quả vẫn còn chưa nhất quán. Kết quả nghiên cứu của nhóm Klein (1998) cho thấy “vị chủng tiêu dùng” quan hệ cùng chiều với “sự sẵn lòng tẩy chay” sản phẩm có xuất xứ từ quốc gia bị ác cảm. Kết quả này được chấp nhận bởi các nhà nghiên cứu như (Ang và cộng sự., 2004; Russell và Russell, 2006; Nakos và Hajidimitriou, 2007; Ishii, 2009; Rose và cộng sự., 2009; Huang và cộng sự., 2010; Cui và cộng sự., 2012; Wang và cộng sự. 2013). Tuy nhiên, một số kết quả khác không cung cấp đủ bằng chứng thống kê để chấp nhận mối quan hệ này chẳng hạn như (Ettenson và Klein, 2005; Maher và cộng sự., 2010; Russell và cộng sự., 2011; Ma và cộng sự., 2012).
Tóm lại, xuất phát từ những kết quả thiếu nhất quán vừa nêu, hướng nghiên cứu tiếp theo nên tập trung vào mối quan hệ đang còn mâu thuẫn này. Cụ thể hơn nữa là xem xét mối quan hệ giữa “vị chủng tiêu dùng” và “hành vi tẩy chay” hàng hóa xuất xứ TQ.
Để lại một bình luận