Thành phần được đặt tên “đánh giá ác cảm mối quan hệ” thể hiện quan điểm ác cảm của người tiêu dùng về mối quan hệ giữa Việt Nam và TQ. Thành phần này được phân nhóm thành hai thành phần, thành phần “đánh giá ác cảm mối quan hệ hiện tại” và “đánh giá ác cảm mối quan hệ mang tính lịch sử”. Vd., một người bình luận đã viết “[…] bản chất của TQ 1000 năm vẫn vậy, bành trướng, thâm hiểm, gian xảo, độc ác” (ID120, bình luận). Quan điểm của người tiêu dùng nổi lên các nội dung thể hiện qua các từ khóa minh họa ở bảng 3.8.
Nghiên cứu trước của Harmelingvà cộng sự. (2015) dùng chung một khái niệm được đặt tên “niềm tin ác cảm chiến tranh” (animosity war beliefs) để đo lường sự đánh giá của người dân TQ/Mỹ đối với Nhật/Nga. Khái niệm này phản ánh nhận xét của người tiêu dùng TQ/ Mỹ đối với Nhật/Nga được thể hiện bởi các phát biểu ví dụ như: “có nhiều tranh chấp quân sự giữa Nhật/Nga và TQ/Mỹ”; “Nhật/Nga và TQ/Mỹ là kẻ thù” và “Nhật/Nga là mối hiểm họa đối với an ninh quốc gia của TQ/Mỹ” (Harmeling và cộng sự. 2015, trang 9).
So sánh kết quả này với hai thành phần nổi lên từ kết quả nghiên cứu định tính, có thể thấy thang đo “niềm tin ác cảm chiến tranh” chỉ thể hiện được một khía cạnh rất nhỏ về mặt nội dung liên quan đến đánh giá của người tiêu dùng Việt Nam đối với mối quan hệ giữa Việt Nam và TQ. Kết quả này là minh chứng thách thức cho tính khái quát hóa đối với khái niệm nghiên cứu mà các tác giả đi trước đề xuất xét riêng về mặt giá trị nội dung. Nghiên cứu này đề xuất xây dựng hai khái niệm nghiên cứu với tên gọi “đánh giá ác cảm mối quan hệ hiện tại” và “đánh giá ác cảm mối quan hệ mang tính lịch sử” để mở rộng mô hình “niềm tin ác cảm” của Harmeling và cộng sự. (2015).
Để tránh sự phức tạp trong đo lường, hai thành phần này có thể được gom lại thành một thành phần được đặt tên “đánh giá mang tính ác cảm mối quan hệ”.
Tương tự như các giả thuyết đã được kiểm định bởi mô hình của Harmeling và cộng sự. (2015), nghiên cứu này đề xuất giả thuyết: mối quan hệ cùng chiều giữa “đánh giá mang tính ác cảm mối quan hệ” đối với các trạng thái cảm xúc như “tức giận”, “khinh ghét”, “lo lắng” dựa trên nền lý thuyết nhận thức của cảm xúc.
Để lại một bình luận