Giai đoạn 2011 – 2016, tổng NLTC huy động từ cộng đồng dân cư đạt 4.388,36 tỷ đồng chiếm gần 6,2 % NLTC huy động cho XDNTM, trong đó vốn đóng góp của cộng đồng dân cư là 3.734 tỷ đồng và 654,36 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của con em xa quê (Bảng 3.11). Tuy mức đóng góp này chưa hoàn thành kế hoạch đề ra, nhưng với một vùng đất thuần nông, thu nhập thấp như Hà Tĩnh, kết quả này thể hiện sự quyết tâm của chính quyền và nhân dân địa phương trong công cuộc XDNTM. Căn cứ để tiến hành huy động NLTC từ cộng đồng dân cư được dựa trên tổng giá trị của từng công trình; mức hỗ trợ từ NS; hình thức hỗ trợ bằng tiền hay bằng nguyên vật liệu do chính quyền thôn/xã thảo luận và thống nhất ý kiến với người dân về các hình thức và mức đóng góp. Theo chính sách hỗ trợ vốn xây dựng CSHT của Tỉnh, phần lớn các công trình kết cấu hạ tầng cấp thôn, NS hỗ trợ theo tỷ lệ % nhất định (Phụ lục 2) giá trị công trình bằng xi măng hoặc tiền trên cơ sở đăng ký của các thôn, phần còn lại nhân dân đóng góp.
Các khoản thu XDNTM cấp xã phần lớn đều có phiếu thu và được ghi thu- ghi chi vào NS xã. Nhìn chung, người dân đánh giá tích cực về công tác quản lý và sử dụng NLTC đóng góp xây dựng CSHT tại các địa phương. Trên thực tế, đóng góp xây dựng CSHT (bao gồm cấp xã và cấp thôn) thường mang lại lợi ích rõ ràng và trực tiếp cho người dân ngay tại địa phương nên người dân thường có xu hướng hài lòng với những đóng góp này.
Trong tổng nguồn lực XDNTM tại 229 xã, vốn người dân trực tiếp đóng góp XDNTM chiếm 6,2%, nhưng nếu tính cả phần vốn tín dụng (vốn tín dụng do người dân vay để phát triển sản xuất), vốn người dân trực tiếp bỏ ra xây dựng, sửa chữa nhà cửa, công trình, SXKD.. thì NLTC này chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng các NLTC cho XDNTM.
Tuy nhiên, một số xã huy động người dân đóng góp tiền mặt lớn để “hấp thu” hết vốn NTM được phân bổ: Thuận Lộc 24,6 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ đóng góp 22 triệu đồng/năm; Đồng Lộc 14,3 tỷ đồng, Phúc Trạch 18,8 tỷ đồng, bình quân trong cả Tỉnh mỗi hộ đóng góp 5 triệu đồng/năm (Bảng 3.15)
NLTC huy động từ dân cư có xu hướng tăng trong những năm đầu thực hiện Chương trình nhưng sau đó giảm mạnh. Thực tế huy động NLTC ở các địa phương cho thấy, trong những năm đầu thực hiện, đóng góp của dân cư chủ yếu ở việc hiến đất và tài sản trên đất, nhưng những năm sau đó huy động từ dân cư sẽ giảm tương đối và chỉ tập trung ở hình thức đóng góp ngày công lao động và tiền mặt… Mặt khác, các công trình phúc lợi chung theo kế hoạch huy động vốn từ cộng đồng đòi hỏi nguồn vốn lớn như: nhà văn hoá xã, trường học, Trạm y tế, đường trục xã, đường trục chính nội đồng, việc huy động sức dân gặp nhiều khó khăn; nếu tập trung chỉ đạo triển khai sớm đạt chuẩn các nội dung này, sẽ tiềm ẩn nợ tồn đọng và dễ phát sinh tình trạng huy động quá sức dân.
Khảo sát ý kiến của 200 hộ dân trên địa bàn về vấn đề tuyên truyền của các cấp và huy động đóng góp của họ cho chương trình XDNTM tại địa phương, kết quả được tổng hợp trên Bảng 3.16.
Nhận thức về chương trình XDNTM là nhân tố ảnh hưởng lớn đến kết quả huy động NLTC cho chương trình XDNTM ở các địa phương. Qua khảo sát 100% người dân đã được nghe về chương trình qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác nhau.Về mức độ phù hợp của công tác tuyên truyền thì có đến 36% số người được hỏi cho rằng hình thức tuyên truyền là chưa phù hợp với họ. Với câu hỏi về mức độ hiểu về nội dung của chương trình XDNTM, chỉ có 18% người được hỏi cho rằng họ hiểu rõ về Chương trình, trong khi đó có đến 68% số người mới chỉ hiểu được một phần và 14% chưa hiểu gì vấn đề này.
Khi hỏi về nhận thức của họ về chủ thể của chương trình XDNTM thì có 54% người trả lời chủ thể là người dân. Còn lại 46% người được hỏi nhận thức chưa đúng về chủ thể của chương trình, trong đó: 23% người được hỏi cho rằng chủ thể là Nhà nước; 14% người được hỏi cho rằng chủ thể là CQĐP; 8% người được hỏi cho rằng chủ thể là các đoàn thể địa phương; 1% người được hỏi trả lời là không biết hoặc cho rằng chủ thể là các đối tượng khác.
Qua bảng khảo sát cũng cho thấy, kết quả khảo sát 200 hộ dân thì có 196 hộ đã tham gia đóng góp cho chương trình, chỉ có 4 hộ chưa tham gia đóng góp. Trong số 196 hộ đã tham gia đóng góp thì: Có 32 hộ (chiếm 15%) cho rằng mức họ đã đóng góp là cao so với khả năng của họ; Có 157 hộ (chiếm 80%) cho rằng mức họ đã đóng góp trong thời gian vừa qua là phù hợp với khả năng của họ; Có 11 hộ (chiếm 5%) cho rằng mức họ đã đóng góp trong thời gian vừa qua còn thấp với khả năng của họ và sẽ tiếp tục đóng góp trong thời gian sắp tới.
Kết quả khảo sát đánh giá của người dân về các biện pháp để huy động NLTC từ cộng đồng cho XDNTM cho thấy về việc tổ chức các cuộc họp cộng đồng để bàn bạc vẫn có 29% người đánh giá mức trung bình, 14,5% đánh giá ở mức yếu cho thấy vấn đề này còn chưa đạt được yêu cầu đặt ra. Về công tác tham gia vận động của các tổ chức đoàn thể có 36% người đánh giá mức trung bình và 16% đánh giá ở mức yếu. Về vấn đề đảm bảo tính nghiêm túc trong quản lý các khoản đóng góp (như việc ghi chép, thống kê, báo cáo…) của các đối tượng đóng góp vào chương trình có 72% đánh giá ở mức tốt và 22,5% đánh giá ở mức trung bình. Về sự minh bạch, công khai trong quá trình sử dụng vốn được đánh giá khá tốt, chỉ có 14,5 % người đánh giá mức thấp.
Qua khảo sát cũng thấy được sự tham gia đông đảo của người dân vào thực hiện chương trình XDNTM, trong đó có tham gia đóng góp các NLTC là một thành công quan trọng của công tác tổ chức và triển khai thực hiện Chương trình này ở các địa phương. Những thành công này có được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của cả hệ thống chính trị.
Để lại một bình luận