Chấp hành dự toán là giai đoạn giai đoạn biến các chỉ tiêu trong dự toán thành hiện thực và kết quả của giai đoạn chấp hành dự toán cũng ảnh hưởng tới chất lượng công tác quyết toán sau này. Trong giai đoạn chấp hành nếu dự toán NSĐP được điều hành đảm bảo nguồn lực cho các nhiệm vụ chi đã được xây dựng sẽ góp phần thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Để nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện dự toán chi NSĐP cho GDCL cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực từ NSĐP cho phát triển giáo dục đồng thời phân bổ nguồn kinh phí NSĐP (cả chi đầu tư và chi thường xuyên) cho các cấp ngân sách tương ứng với nhiệm vụ chi được giao như đã phân tích ở giải pháp 3.2.1.1.
Thứ hai, thay đổi cơ chế giao dự toán kinh phí NSĐP cho GDCL.
Hiện nay, cơ quan tài chính các cấp tỉnh Thanh Hóa đang trực tiếp giao dự toán kinh phí cho các đơn vị SNCL ngành giáo dục dẫn đến tình trạng cơ quan tài chính can thiệp quá chi tiết vào hoạt động của ngành, khối lượng công việc quản lý tài chính đối với đơn vị dự toán tập trung ở cơ quan tài chính quá lớn làm ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng dự toán; chất lượng giám sát chấp hành và quyết toán NSNN. Chính vì vậy, cần có sự điều chỉnh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị để nâng cao hiệu quả quản lý chi NSĐP cho GDCL. Cụ thể:
– Đối với dự toán kinh phí của các trường THPT: Sở Tài chính giao dự toán kinh phí cho Sở GD&ĐT để thực hiện phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị.
– Đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS: phòng tài chính kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố giao dự toán cho phòng GD&ĐT để thực hiện giao dự toán cho các đơn vị.
Sự điều chỉnh này sẽ giảm tải khối lượng công việc cụ thể tại cơ quan tài chính, tạo điều kiện cho cơ quan tài chính tập trung thực hiện chức năng giám sát tài chính đối với các đơn vị, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả chi NSĐP cho GDCL. Đồng thời, do việc phân bổ nguồn lực cho các đơn vị do cơ quan quản lý ngành thực hiện nên sẽ sát với định hướng, mục tiêu nhiệm vụ của ngành.
Để thực hiện được giải pháp này, đòi hỏi Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT phải tăng cường về số lượng và nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính.
Thứ ba, mở rộng quyền tự chủ của các đơn vị SNCL ngành giáo dục.
Tăng cường tự chủ của các đơn vị SNCL sẽ giảm được áp lực chi NSNN cho các đơn vị SNCL bằng việc giảm dần mức hỗ trợ từ NSNN tương ứng với mức độ tự chủ của các đơn vị và nâng cao hiệu quả chi NSNN cho các đơn vị SNCL thông qua việc ràng buộc trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong sử dụng kinh phí NSNN cấp.
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, có thể tiến tới thực hiện giáo dục bắt buộc và miễn phí 9 năm theo xu hướng chung của thế giới, nhiệm vụ của NSĐP là đảm bảo toàn bộ nhu cầu kinh phí cho các cơ sở giáo dục tiểu học và tiến tới đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động của các trường THCS ở địa phương. Đối với các cơ sở giáo dục này, để tăng cường tự chủ cần tiến tới thực hiện giao dự toán theo số học sinh thực tế thực hiện, giao quyền tự chủ cho thủ trưởng đơn vị trong thực hiện các hoạt động điều hành chi tiêu tại đơn vị mình theo đúng quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ.
Đối với các trường mầm non, THPT: là những trường có khả năng xã hội hóa cao, Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ cũng đã quy định “Cơ sở GDCL thực hiện chương trình chất lượng cao được thu học phí tương xứng để bù đắp chi phí đào tạo”. Chính vì vậy, đối với các trường mầm non, THPT cần có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, Nghị quyết số 41/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh Thanh Hóa và khả năng đóng góp của người dân, sự biến động của chỉ số giá tiêu dùng để tăng cường huy động đóng góp của người học. Để thực hiện được điều này, các cơ sở giáo dục phải xây dựng được định hướng phát triển cụ thể, nâng cao chất lượng giáo dục, tiến tới xây dựng các cơ sở giáo dục chất lượng cao để cạnh tranh với các trường ngoài công lập.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với chi NSĐP cho GDCL và thực hiện chế độ báo cáo đánh giá giữa kỳ
Tăng cường vai trò kiểm tra của cơ quan tài chính:
Để thực hiện tốt chức năng giám sát của tài chính, cơ quan tài chính các cấp ở địa phương cần tăng cường thực hiện công tác kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ đối với các hoạt động tài chính của các đơn vị SNGD công lập trên địa bàn tỉnh.
Việc kiểm tra có thể được thực hiện thông qua giám sát thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tài chính theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thông qua báo cáo của các đơn vị về tình hình thực hiện các chỉ tiêu về nhiệm vụ chuyên môn; tình hình thực hiện các khoản thu – chi tài chính để phân tích, đánh giá sơ bộ các nội dung về quản lý tài chính tại đơn vị, khả năng thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch. Trên cơ sở đó, đề xuất thực hiện kiểm tra thực tế đối với hoạt động quản lý tài chính của đơn vị khi cần thiết.
Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá giữa kỳ (định kỳ 06 tháng) và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc để kịp thời phát hiện những sai sót và hướng dẫn các đơn vị thực hiện các điều chỉnh một cách phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu quản lý tài chính và mục tiêu, nhiệm vụ của ngành.
Tthực hiện tốt công tác tự kiểm tra tài chính ở các đơn vị dự toán ngành giáo dục
Trong QLNS theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị sử dụng ngân sách được trao quyền tự chủ một cách mạnh mẽ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ và tài chính; gắn quyền tự chủ với trách nhiệm giải trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ của thủ tưởng đơn vị. Do đó, các đơn vị cần xây dựng được cơ chế kiểm soát nội bộ một cách hiệu quả để thực hiện giám sát các hoạt động của đơn vị (bao gồm cả giám sát thực hiện hoạt động chuyên môn và giám sát các hoạt động tài chính), đảm bảo việc sử dụng các nguồn tài chính tại đơn vị một cách hiệu quả, gắn bó chặt chẽ với việc thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị để hoàn thành mục tiêu kế hoạch.
Lộ trình thực hiện giải pháp: việc mở rộng quyền tự chủ đối với các đơn vị SNCL ngành giáo dục đã được thể chế hóa trong các văn bản của Trung ương (Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành trung ương Khóa XII; Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ…), do đó, có thể triển khai thực hiện ngay từ năm ngân sách 2019 và năm học 2019-2020. Việc tăng cường kiểm tra giám sát và báo cáo đánh giá giữa kỳ cũng có thể thực hiện ngay từ năm ngân sách 2019.
3.2.1.6. Xây dựng hệ thống theo dõi đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ
Trong QLNS theo yếu tố đầu vào, đối tượng theo dõi và đánh giá là các đầu vào và cách thức xử lý các đầu vào. Cách theo dõi này chủ yếu kiểm tra sự tuân thủ nhưng không đánh giá được hiệu quả sử dụng nguồn lực. Khi chuyển sang áp dụng QLNS theo đầu ra và kết quả, cũng cần thiết lập hệ thống theo dõi đánh giá mới. Hệ thống này không những theo dõi đầu vào, hoạt động mà còn theo dõi và, đánh giá các đầu ra và kết quả đạt được của ngành giáo dục, cả kết quả trước mắt cũng như những tác động trong trung hạn và dài hạn. Việc theo dõi, đánh giá này cho biết chi tiêu ngân sách cho GDCL đã mang lại kết quả như thế nào, có đóng góp như thế nào đối với việc đạt được các mục tiêu của ngành, từ đó có thể đánh giá hiệu quả của việc chi tiêu.
Công cụ thực hiện theo dõi đánh giá là khung theo dõi, đánh giá. Khung theo dõi đánh giá phải được thiết kế để thấy rõ sự liên kết giữa các mục tiêu của ngành – các đầu ra – hoạt động – đầu vào. Mỗi yếu tố đó cần được xác định một cách rõ ràng, cụ thể; trên cơ sở đó xây dựng một bộ chỉ số tương ứng để theo dõi, đánh giá với từng mục tiêu, đầu ra, hoạt động và đầu vào. Khung theo dõi đánh giá cũng cần xác định rõ các nguồn dữ liệu/phương pháp thu thập đối với từng chỉ số; phân công trách nhiệm cho các tổ chức trong thu thập và phân tích dữ liệu cũng như xác định rõ thông tin sau khi tổng hợp sẽ cung cấp cho ai? Cung cấp khi nào?
Khung theo dõi đánh giá của ngành giáo dục cần nhất quán với Khung theo dõi đánh giá kế hoạch phát triển KTXH của tỉnh để có thể dễ dàng tích hợp các lĩnh vực khác.
Linh hồn của Khung theo dõi đánh giá chính là Bộ chỉ số theo dõi đánh giá kết quả của ngành giáo dục. Mặc dù Luật NSNN 2015 đã đề cập đến quản lý NSNN theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, theo đó, “QLNS theo kết quả thực hiện nhiệm vụ là việc lập, phân bổ, chấp hành, quyết toán NSNN trên cơ sở xác định rõ kinh phí ngân sách gắn với nhiệm vụ, dịch vụ, sản phẩm cần hoàn thành với khối lượng và chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định”[24]; Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc quản lý NSNN theo kết quả thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn về quản lý NSNN theo kết quả thực hiện nhiệm vụ. Đây cũng là một khó khăn đối với các địa phương khi thực hiện đổi mới quản lý NSĐP nói chung.
Đối với lĩnh vực giáo dục ở địa phương, để thực hiện quản lý chi NSĐP cho GDCL theo kết quả thực hiện nhiệm vụ cần xây dựng được các chỉ tiêuvề kết quả, từ đó xây dựng các chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Các chỉ số theo dõi, đánh giá cần tập trung đánh giá hiệu quả và đánh giá hiệu lực chi ngân sách của ngành giáo dục.
Trên cơ sở kế hoạch phát triển giáo dục địa phương, tiến độ thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ, các chỉ số theo dõi, đánh giá có thể sử dụng như sau:
– Nhóm các chỉ số theo dõi,đánh giá hiệu quả chi NSĐP cho GDCL:
Với các đơn vị sử dụng ngân sách ngành giáo dục, các chỉ tiêu có thể sử dụng là:
+ Số lượng học sinh hoàn thành chương trình giáo dục của các nhóm lớp theo tiêu chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT;
+ Số lượng học sinh tốt nghiệp;
+ Số lượng học sinh tốt nghiệp các cấp học tiếp tục theo học lên cấp học cao hơn;
+ Tỷ lệ học sinh bỏ học;
+ Chi phí đơn vị trong cung cấp đầu ra của đơn vị tính cho 01 học sinh tốt nghiệp hoặc học sinh hoàn thành chương trình học của một nhóm lớp (tất cả các khoản chi phí để thực hiện hoạt động giáo dục tính trên 01 học sinh trong 01 năm học/khóa học, bao gồm: chi cho con người, chi phí khấu hao TSCĐ, chi phục vụ hoạt động chuyên môn, chi khác);
+ Chi NSĐP cho GDCL tại đơn vị;
+ Chi NSĐP cho GDCL tính trên 01 học sinh tốt nghiệp hoặc học sinh hoàn thành chương trình học của một nhóm lớp.
Các thông tin này do đơn vị sự nghiệp GDCL cung cấp thông qua các báo cáo đánh giá giữa kỳ, báo cáo cuối kỳ để làm cơ sở cho cơ quan tài chính, cơ quan GD&ĐT đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ khi quyết toán NSNN hằng năm.
Đối với các địa phương, các chỉ số đánh giá hiệu quả chi NSĐP cho GDCL có thể được sử dụng là:
+ Số lượng học sinh tốt nghiệp các cấp học;
+ Số lượng học sinh tốt nghiệp các cấp học tiếp tục theo học lên cấp học cao hơn;
+ Tỷ lệ học sinh bỏ học của địa phương;
+ Chi phí đơn vị trong cung cấp đầu ra của đơn vị tính cho 01 học sinh tốt nghiệp ở các cấp học (tất cả các khoản chi phí để thực hiện hoạt động giáo dục tính trên 01 học sinh trong 01 năm học/khóa học, bao gồm: chi cho con người, chi phí khấu hao TSCĐ, chi phục vụ hoạt động chuyên môn, chi khác);
+ Chi NSĐP cho GDCL;
+ Chi NSĐP cho GDCL tính trên 01 học sinh tốt nghiệp.
Các chỉ tiêu này được thu thập từ báo cáo tình hình phát triển giáo dục của các huyện, thị xã, thành phố khi các phòng GD&ĐT báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ các năm và là cơ sở để Sở Tài chính, Sở GD&ĐT phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển giáo dục của địa phương khi quyết toán NSĐP hằng năm.
– Nhóm các chỉ tiêu đánh giá hiệu lực của chi NSĐP cho GDCL:
Để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cần thực hiện đánh giá trên các tiêu chí: số lượng trẻ 05 tuổi hoàn thành chương trình phổ cập mầm non, số học sinh tốt nghiệp phổ thông (tiểu học, THCS, THPT) ở các đơn vị, các địa phương; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở các cấp học phổ thông; tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học, THCS; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT và tương đương; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT học tiếp lên trình độ đại học, giáo dục nghề nghiệp; tỷ lệ trẻ em khuyết tật được đi học; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên và tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35….
Trên cơ sở đó, đánh giá những tác động của việc phát triển giáo dục với chất lượng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; khả năng đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho người dân.
Việc đánh giá cần thực hiện giữa kỳ và cuối kỳ, nội dung đánh giá chuyển từ đánh giá sự tuân thủ sang đánh giá tính hiệu quả và hiệu lực của chi NSĐP cho GDCL thông qua việc đánh giá các đầu ra/kết quả cung cấp dịch vụ của các đơn vị ngành giáo dục và các đầu ra đó có mang lại tác động mong muốn đối với sự phát triển giáo dục của địa phương hay không.
Bên cạnh đó, có thể thực hiện các cuộc phỏng vấn đối với người học, phụ huynh học sinh để thu thập thông tin về các đánh giá của cộng đồng về những tác động của chi NSĐP cho GDCL đối với sự phát triển giáo dục. Sự hài lòng của người học, của phụ huynh học sinh đối với dịch vụ giáo dục được cung cấp bởi các cơ sở GDCL thể hiện hiệu lực của chi tiêu NSĐP cho giáo dục.
Lộ trình thực hiện giải pháp: trong khi trung ương chưa ban hành hướng dẫn chi tiết về quản lý NSNN theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, địa phương có thể bước đầu thực hiện kiểm soát đầu ra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ thông qua đánh giá mức độ thực hiện các chỉ tiêu học sinh đạt chuẩn đầu ra theo quy định ở các cấp học so với chỉ tiêu kế hoạch đã cam kết đầu năm. Trên cơ sở đó, đánh giá mức độ thực hiện các mục tiêu của ngành thông qua so sánh với mục tiêu đề ra trong từng mốc thời gian cụ thể (năm 2020, 2025).
Để lại một bình luận