Thực hiện điều chỉnh mức thu học phí đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ
Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ban hành theo Nghị quyết số 41/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về quy định mức thu và sử dụng học phí trong các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 đã xác định cụ thể mức thu học phí đối với các cấp học mầm non, THCS và THPT theo từng khu vực (thành phố, thị xã; đồng bằng; miền núi) và quy định từ năm học 2017-2018 mức thu học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm do Bộ Kế hoạch và đầu tư thông báo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, việc điều chỉnh này không kịp thời đã gây khó khăn cho các đơn vị trong tổ chức thực hiện.
Để đồng bộ với việc xác định định mức phân bổ chi NSĐP cho GDCL (điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm do Bộ Kế hoạch và đầu tư thông báo, có tính đến khả năng thu của các đơn vị), cần thực hiện việc điều chỉnh mức thu học phí một cách kịp thời.
Khuyến khích xã hội hóa giáo dục để tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục, tăng mức độ cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục trong cung cấp dịch vụ.
Khuyến khích xã hội hóa giáo dục phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Trong điều kiện nguồn lực NSĐP có hạn, khả năng đầu tư không đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ giáo dục của người dân. Các cơ sở GDCL không đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt là khu vực thành phố, thị xã, các khu vực đông dân cư khác. Chính vì vậy, khuyến khích xã hội hóa giáo dục góp phần tăng số lượng và chất lượng dịch vụ giáo dục cung cấp cho người dân. Đồng thời, xã hội hóa giáo dục góp phần tăng tính cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ giáo dục của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh (cả công lập và ngoài công lập). Từ đó, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của các trường công lập. Đây cũng là cơ sở tạo điều kiện cho việc triển khai áp dụng phân bổ ngân sách theo kết quả trong thực tiễn quản lý NSĐP đối với ngành giáo dục.
Hiện nay tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 về việc ban hành chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 với các quy định cụ thể về đối tượng hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ và nội dung hỗ trợ. Do đó, triển khai thực hiện tốt chính sách này sẽ góp phần giảm áp lực đầu tư từ NSĐP cho giáo dục mầm non, tăng tính cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ của các cơ sở giáo dục mầm non.
Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý tài chính tại cơ quan tài chính các cấp và ở các đơn vị dự toán ngành giáo dục
Năng lực của đội ngũ cán bộ quyết định đến khả năng triển khai thực hiện QLNS theo kết quả. Đây là nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng công lập kế hoạch ngân sách, triển khai thực hiện và quyết toán ngân sách (cả ở các đơn vị dự toán và cơ quan tài chính, cơ quan quản lý ngành). Đội ngũ cán bộ quản lý tài chính ở các đơn vị dự toán có trình độ chuyên môn tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẽ có khả năng tham mưu xây dựng dự toán ngân sách của đơn vị mình gắn với các nhiệm vụ cụ thể của đơn vị và trần chi tiêu được thông báo theo thứ tự ưu tiên trong từng thời kỳ cụ thể. Đối với cơ quan tài chính, cơ quan quản lý ngành, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý tài chính ngành giáo dục góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp dự toán, sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ của ngành giáo dục một cách phù hợp để thực hiện mục tiêu trong trung hạn và trong năm dự toán.
Để nâng cao chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý tài chính, cần thường xuyên tổ chức các đợt đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn để cập nhật, hướng dẫn thực hiện xây dựng dự toán gắn với kế hoạch phát triển ngành; lập dự toán ngân sách trong trung hạn và các phương pháp đánh giá kết quả thực hiện đối với các đơn vị dự toán.
Tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý tài chính ở các đơn vị dự toán ngành giáo dục cũng như các cấp ngân sách địa phương
Việc công khai ngân sách ở các cấp NSĐP và các đơn vị dự toán trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung, các đơn vị dự toán ngành giáo dục nói riêng trong giai đoạn 2011-2017 đã dần đi vào nền nếp, góp phần tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, sự giám sát của cấp trên với cấp dưới và phát huy vai trò giám sát của các đoàn thể, quần chúng nhân dân, người lao động, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí NSNN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng.
Người dân chưa tham gia một cách thực chất, có hiệu quả vào các quy trình này. Việc công khai ở các cấp ngân sách và đơn vị dự toán, đặc biệt là cấp huyện, xã và các đơn vị dự toán cấp huyện còn mang tính hình thức, chưa đúng quy định của pháp luật về công khai NSNN. Hầu hết các đơn vị chỉ thực hiện công khai tại hội nghị cán bộ công nhân viên chức, chưa thực hiện nghiêm túc hình thức niêm yết công khai tại trụ sở. Việc công khai không thực hiện đúng thời gian quy định, nhất là các khoản dự toán bổ sung trong năm. Thêm vào đó việc công khai chỉ dừng lại ở công khai số liệu chi tiêu ngân sách theo dự toán, không kèm theo các thuyết minh cụ thể liên quan đến từng hoạt động trong năm ngân sách.
Luật Ngân sách nhà nước được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/6/2015 (Luật Ngân sách nhà nước năm 2015), có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng với mục tiêu là nâng cao tính minh bạch, dân chủ và công khai trong công tác quản lý NSNN; kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu, chi ngân sách; nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính – NSNN bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,… Theo đó, các quy định về công khai minh bạch ngân sách đã có những sửa đổi, bổ sung rõ ràng, minh bạch hơn về đối tượng công khai; nội dung công khai; thời gian công khai và giám sát NSNN của cộng đồng.
Như vậy, quy định của Luật NSNN 2015 về công khai ngân sách đã rất rõ ràng, cụ thể, đòi hỏi các đơn vị dự toán nói chung, các đơn vị dự toán ngành giáo dục nói riêng thực hiện nghiêm quy định của Luật, tránh tình trạng công khai mang tính hình thức như hiện nay. Từ đó, góp phần chấn chỉnh hoạt động quản lý tài chính tại các đơn vị, nâng cao hiệu quả chi NSĐP cho GDCL.
Để lại một bình luận