Quản lý là “một quy trình mà chủ thể quản lý tiến hành thông qua việc sử dụng các công cụ và phương pháp thích hợp nhằm tác động và điều khiển đối tượng quản lý hoạt động và phát triển phù hợp với các quy luật khác quan và đạt được các mục tiêu đã định”[13].
“Quản lý nhà nước về kinh tế chính là sự tác động của hệ thống quản lý hay chủ thể quản lý (Nhà nước) lên hệ thống bị quản lý hay khách thể quản lý (nền kinh tế) nhằm hướng sự vận hành của nền kinh tế theo các mục tiêu đặt ra”.
CTMTQG là một tập hợp các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ về kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, môi trường, cơ chế, chính sách, pháp luật, tổ chức để thực hiện một hoặc một số mục tiêu ưu tiên đã được xác định trong chiến lược phát triển KT – XH của đất nước trong một thời gian nhất định. Các CTMTQG là một cơ chế để chính phủ có thể phân bổ các NLTC cho các ưu tiên chính sách quan trọng. Đây là nguồn vốn đặc biệt được phân bổ khác với NS thông thường bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển[114]. XDNTM là một CTMTQG về phát triển NT tổng hợp trên phạm vi toàn quốc nên huy động và sử dụng các NLTC cho xây dựng NTM thuộc phạm trù tài chính công. Quản lý các NLTC cho xây dựng NTM mang đầy đủ đặc điểm và mục đích của quản lý tài chính công.
Quản lý tài chính công “là hoạt động của các chủ thể quản lý tài chính công thông qua việc sử dụng có chủ định các phương pháp quản lý và các công cụ quản lý để tác động và điều khiển hoạt động của tài chính công nhằm đạt được các mục tiêu đã định”[13]. “Campos và Pradhan (1996) đã vạch ra ba kết quả lý tưởng của một hệ thống quản lý tài chính công là: kỷ luật tài khóa, phân bổ nguồn lực theo các ưu tiên chính sách, và quản lý tác nghiệp tốt[121]. Kỷ luật tài khóa được dựa trên những dự báo tốt về các khoản thu, các hệ thống cho việc lập kế hoạch chính xác và phân bổ chiến lược các NLTC cho các lĩnh vực ưu tiên để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững. Phân bổ chiến lược có nghĩa là các nguồn lực được phân bổ dựa trên các ưu tiên chính sách then chốt của Chính phủ, với sự điều phối thông suốt giữa các cấp chính quyền. Quản lý tác nghiệp tốt có nghĩa là kinh tế (các đầu vào cho chất lượng với mức giá tốt nhất), hiệu suất (các đầu ra với mức chi phí thấp nhất có thể), và hiệu quả (đạt được kết quả chủ định). Campos và Pradhan lập luận rằng sẽ thành công nếu có những hạn chế ràng buộc chính quyền các cấp vào ba kết quả đầu ra nêu trên. Họ chứng minh rằng việc tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình theo các cách thức nhất định có thể có tác dụng như một hạn chế ràng buộc như vậy. Dựa trên các chuẩn mực quốc tế, ba kết quả đầu ra về quản lý tài chính công được đo lường trên các phương diện: sự tín nhiệm ngân sách; tính toàn diện và tính minh bạch, đồng bộ của chính sách; tính khả đoán với sự kiểm soát, kế toán, báo cáo, và sự giám sát, kiểm toán của bên ngoài”[25].
Như vậy, “nội dung của quản lý tài chính công bao gồm: (a) thiết lập và duy trì được kỷ cương ngân sách; (b) phân bổ có hiệu quả các nguồn lực tài chính công thông qua phân cấp quản lý sâu rộng, tăng quyền tự chủ cho chính quyền các cấp; và (c) tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình tài khóa trên cơ sở phối hợp tốt giữa cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp với sự hỗ trợ của cơ quan tư pháp và cơ quan kiểm toán”[27].
Từ quan niệm chung được phân tích ở trên, vận dụng vào thực tiễn XDNTM ở các địa phương cấp tỉnh, có thể khái niệm: Quản lý huy động và sử dụng các NLTC cho XDNTM ở các địa phương cấp tỉnh là là sự tác động của chính quyền nhà nước các cấp (tỉnh, huyện, xã) trong huy động và sử dụng các NLTC cho XDNTM ở địa phương theo kế hoạch và mục tiêu đặt ra.
Khái niệm này chỉ rõ các vấn đề sau:
Một là, chính quyền các cấp cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ theo chức năng quản lý nhà nước về các NLTC cho XDNTM trên địa bàn tỉnh.
Hai là, quản lý các NLTC cho XDNTM là quản lý quá trình huy động và sử dụng các NLTC và đảm bảo sự cân đối thu – chi các NLTC cho XDNTM.
Để lại một bình luận