Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đào tạo, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhất quán việc ưu tiên dành nguồn lực cho giáo dục, đảm bảo tỷ lệ chi NSĐP cho giáo dục khoảng 20% tổng chi NSĐP và duy trì ổn định trong giai đoạn 2011-2016.
Số liệu ở bảng 2.9 cho thấy chi NSĐP cho GDCL ở tỉnh Thanh Hóa duy trì tỷ lệ ổn định so với GDP (khoảng từ 5,9-7,4% GDP) và chiếm trên 20% trong tổng chi NSĐP. Điều này phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển giáo dục đào tạo của Đảng và Nhà nước và được tỉnh quán triệt ngay trong chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Trong quá trình tham mưu cho chính quyền địa phương điều hành dự toán thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung, nhiệm vụ phát triển giáo dục đào tạo nói riêng, cơ quan Tài chính các cấp ở tỉnh Thanh Hóa đã chủ động tham mưu bố trí, sắp xếp nguồn lực tài chính để vừa đảm bảo duy trì các hoạt động thường xuyên của ngành giáo dục, đồng thời tiết kiệm tạo nguồn để ưu tiên thực hiện một số nhiệm vụ (tăng cường cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp GDĐT, hỗ trợ các địa phương thực hiện đầu tư phát triển giáo dục) cùng với các nguồn vốn khác (vốn huy động xã hội hóa giáo dục). Với đặc thù là một tỉnh nghèo, dân số đông, địa bàn rộng, chi NSĐP cho GDCL tỉnh Thanh Hóa chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng chi NSĐP cho GD&ĐT. Giai đoạn 2011-2017, chi NSĐP cho GDCL chiếm từ 88,5-93,5% chi NSĐP cho GD&ĐT, thể hiện sự ưu tiên phát triển giáo dục của tỉnh trong giai đoạn này.
Tốc độ tăng chi NSĐP cho GDCL biến động không đều trong giai đoạn 2011-2017 do phụ thuộc vào khả năng nguồn lực NSĐP hằng năm. Tốc độ tăng chi NSĐP cho GDCL tương đương tốc độ tăng chi NSĐP giai đoạn 2011-2017 (trung bình giai đoạn khoảng 13%). Riêng năm 2015, tốc độ tăng chi NSĐP cao hơn tốc độ tăng chi NSĐP cho GDCL do tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn thu tiền sử dụng đất so với dự toán (1.400 tỷ đồng). So với quy mô nền kinh tế thì tổng chi NSĐP cho GDCL tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2017 chiếm khoảng 5-7% GDP, tương đương mức bình quân của cả nước (Biểu đồ 2.3).
Nhu cầu chi thường xuyên để duy trì hoạt động của các cơ sở GDCL tỉnh Thanh Hóa là rất lớn. Thanh Hóa một tỉnh đông dân, có nhiều đơn vị hành chính nhất cả nước với 27 đơn vị hành chính cấp huyện và tương đương, có 573 xã, 34 phường, 28 thị trấn và 6.031 thôn, xóm, bản làng; trong đó có 184 xã miền núi và 12 thị trấn miền núi (số liệu năm 2014). Tỉnh có 6 huyện, thị xã thuộc vùng ven biển, 11 huyện thuộc vùng núi và 10 huyện, thị xã, thành phố thuộc vùng đồng bằng. Bên cạnh đó, địa hình Thanh Hóa có đủ 03 dạng: núi, trung du và đồng bằng ven biểu. Chính những đặc điểm về dân số, hành chính và địa hình như vậy, làm cho nhu cầu chi thường xuyên để đảm bảo hoạt động của các cơ sở GDCL trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Chi thường xuyên NSĐP cho GDCL giai đoạn 2011-2017 chiếm khoảng 90% tổng chi NSĐP cho GDCL và chiếm từ 36,2-40,6% tổng chi thường xuyên NSĐP. Chi thường xuyên NSĐP cho GDCL chủ yếu để đảm bảo nhu cầu chi trả tiền lương, các khoản phụ cấp, các khoản có tính chất lương cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên quản lý tại các cơ sở GDCL trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đảm bảo chi trả kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách ngành giáo dục theo quy định.
Ngoài ra, căn cứ khả năng nguồn lực của NSĐP trong từng thời kỳ cụ thể, tỉnh còn tiết kiệm nguồn kinh phí SNGD để tăng cường cơ sở vật chất cho ngành giáo dục (mở rộng, nâng cấp các trường THPT để đạt tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia đến năm 2020, hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất ngành giáo dục…).
Do nhu cầu chi thường xuyên để thực hiện nhiệm vụ lớn, định mức phân bổ chi NSĐP cho GDCL lại chỉ đảm bảo chế độ cho biên chế được cấp có thẩm quyền giao và một phần đảm bảo kinh phí chi nghiệp vụ; dự toán chi NSĐP cho GDCL do cơ quan tài chính thẩm định chủ yếu dựa trên dự toán đề xuất của các đơn vị ngành giáo dục, chưa có sự tổng hợp, đối chiếu với các mục tiêu tổng thể của ngành để lựa chọn thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ; Ngành giáo dục cũng chỉ dừng lại ở việc xây dựng kế hoạch và tổng hợp dự toán của các đơn vị trực thuộc chứ chưa rà soát, tổng hợp đầy đủ các nhiệm vụ và dự toán toàn ngành nên vẫn còn tình trạng bổ sung dự toán trong quá trình chấp hành, dẫn đến độ tin cậy của dự toán chưa cao.
Giai đoạn 2011-2017, dự toán chi NSĐP cho GDCL cơ bản vượt dự toán. Riêng năm 2015 thực hiện không đạt dự toán do dự toán kinh phí thực hiện một số chế độ, chính sách mới giao cho các huyện, thị xã, thành phố dự kiến cao hơn so với nhu cầu thực tế phát sinh. Các năm còn lại, chênh lệch tổng thực hiện so với dự toán từ 0,64 % (năm 2016) đến 44,17 % (năm 2012). Phần kinh phí tăng so với dự toán cao ở năm 2012 do tăng kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách mới được phân bổ cho các địa phương, đơn vị trong năm (phụ cấp thâm niên nhà giáo; chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn). Các năm còn lại, quyết toán cao hơn so với dự toán do một số nội dung chưa giao trong dự toán đầu năm của các địa phương, đơn vị dự toán: kinh phí thực hiện đề án mở rộng, nâng cấp một số hạng mục để đạt tiêu chí trường THPT đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020; mở rộng, nâng cấp nhà ở nội trú cho học sinh các trường THCS, THPT các huyện miền núi cao…..
Chi thường xuyên NSĐP cho GDCL tập trung chủ yếu ở cấp huyện, xã. Theo cơ chế phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi NSĐP giai đoạn 2011-2016 và 2017-2020 thì ngân sách cấp tỉnh chỉ thực hiện chi đảm bảo hoạt động của các trường THPT, trường phổ thông 02 cấp học trong đó có cấp THPT, trường DTNT tỉnh, các hoạt động giáo dục khác do tỉnh quản lý và các hoạt động sự nghiệp toàn ngành. Các nhiệm vụ chi thường xuyên NSĐP cho GDCL tập trung chủ yếu ở các huyện, thị xã, thành phố (chi đảm bảo hoạt động của các trường mầm non, tiểu học, THCS). Vì vậy, chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh cho GDCL chỉ chiếm từ 11-16.9% tổng chi thường xuyên NSĐP cho GDCL, chi thường xuyên ngân sách huyện cho GDCL chiếm khoảng 83-89%.
Cơ cấu chi NSĐP cho GDCL theo cấp học thay đổi phù hợp với thực trạng phát triển giáo dục địa phương. Cùng với việc bảo đảm bố trí chi NSĐP cho GDCL đảm bảo tỷ lệ Trung ương quy định, không thấp hơn số Trung ương giao, cơ cấu chi NSĐP cho các cấp học đã có sự thay đổi theo hướng tăng dần tỷ lệ chi NSĐP cho giáo dục mầm non, giảm tỷ lệ chi NSĐP cho các hoạt động giáo dục khác (GDTX, trung tâm bồi dưỡng chính trị….).
Tuy nhiên, cơ cấu chi thường xuyên NSĐP cho GDCL chủ yếu là chi lương, các khoản phụ cấp, các khoản có tính chất lương và các khoản đóng góp theo lương, tỷ lệ chi nghiệp vụ chuyên môn thấp. Do số lượng cán bộ giáo viên lớn, đặc biệt là các huyện miền núi có nhiều trường còn phải tổ chức các điểm trường lẻ nên chi thường xuyên NSĐP cho GDCL tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2017 chủ yếu đảm bảo nhu cầu chi tiền lương và các khoản có tính chất lương (khoảng 89%), tỷ lệ chi nghiệp vụ chuyên môn thấp (khoảng 11%).
Bên cạnh đó, chi thường xuyên NSĐP bình quân 01 học sinh ở các cấp học giai đoạn 2011-2017 chưa phản ánh đúng định hướng ưu tiên cho phát triển giáo dục các cấp học. Qua tính toán từ số liệu quyết toán chi NSĐP cho GDCL, chi thường xuyên NSĐP cho 01 học sinh mầm non năm 2011 cao đột biến so với các năm còn lại trong giai đoạn do trong năm 2011 các trường mầm non bán công chưa thực hiện chuyển đổi thành trường mầm non công lập. Số liệu tính toán trên cơ sở chi thường xuyên NSĐP cho giáo dục mầm non và số học sinh mầm non tại các cơ sở giáo dục công lập.
Từ năm 2012-2017, chi thường xuyên NSĐP tăng dần và ổn định, mức chi bình quân tăng cao ở năm 2014 do thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi. Với mục tiêu thực hiện phổ cấp giáo dục tiểu học, mức chi bình quân 01 học sinh tiểu học cao hơn so với các cấp học khác là phù hợp. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011-2017, mức chi thường xuyên NSĐP cho 01 học sinh THCS là cao nhất. Nguyên nhân của tình trạng này là do định mức phân bổ kinh phí cho các cơ sở GDCL tính theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao. Trong giai đoạn này, số cán bộ, giáo viên THCS dôi dư là 1.604 (tính đến tháng 8/2014) làm cho kinh phí chi lương và các khoản có tính chất lương tăng lên. Trong khi đó, khối tiểu học thiếu so với định mức giáo viên/lớp là 1.979 giáo viên làm cho mức chi bình quân 01 học sinh giảm so với nhu cầu theo định mức. Như vậy, việc tuyển dụng, bố trí cán bộ, giáo viên không hợp lý là một nguyên nhân cơ bản làm cho chi phí tính cho 01 học sinh ở các cấp học không hợp lý. Khối THPT có mức chi bình quân 01 học sinh tăng ở các năm 2015-2017 do đề án mở rộng, nâng cấp các trường THPT để đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 được thực hiện từ nguồn kinh phí SNGD thuộc chi thường xuyên NSĐP cho GDCL giai đoạn 2015-2017.
Giao dự toán kinh phí NSĐP cho GDCL ở tỉnh Thanh Hóa được thực hiện như sau: Trên cơ sở quyết định phê duyệt phương án phân bổ chi NSĐP của UBND tỉnh, Sở Tài chính trực tiếp giao kinh phí cho Sở GD&ĐT và các trường THPT (đơn vị dự toán thuộc tỉnh quản lý); đồng thời, thông báo dự toán chi NSĐP cho các huyện, thị xã, thành phố (trong đó có chi NSĐP cho GDCL).
Sau khi UBND cấp huyện ban hành quyết định phê duyệt phương án phân bổ ngân sách huyện, phòng kế hoạch tài chính cấp huyện phân bổ, giao kinh phí cho phòng GD&ĐT và các trường mầm non, tiểu học, THCS (đơn vị dự toán thuộc cấp huyện quản lý).
Như vậy, cơ quan GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, không tham gia vào quản lý và cấp phát kinh phí cho các đơn vị thuộc ngành. Toàn bộ nhiệm vụ quản lý tài chính đối với các đơn vị dự toán ngành giáo dục do cơ quan tài chính các cấp ở địa phương thực hiện.
Chi NSĐP cho GDCL đã góp phần đáng kể vào những kết quả của ngành giáo dục trong giai đoạn 2011-2017. Quy mô giáo dục phát triển hợp lý, chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên; kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và thi đại học luôn ở tốp đầu cả nước. Việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở các cấp học, bậc học có chuyển biến; chất lượng giáo dục miền núi được nâng lên; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS được giữ vững; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trước thời hạn; đã chuyển các trường mầm non bán công sang công lập; chỉ đạo giải quyết giáo viên dôi dư và chấn chỉnh việc tuyển dụng, điều chuyển, bổ nhiệm cán bộ, giáo viên; từng bước khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định và lạm thu trong các nhà trường. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 51,1%, vượt mục tiêu đại hội. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh, đứng ở tốp đầu cả nước. Kết quả hoạt động của ngành giáo dục trên các mặt cụ thể như sau:
Số lượng trường mầm non tăng từ 127 trường năm học 2010-2011 lên 662 trường năm học 2016-2017 do thực hiện chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập phù hợp với điều kiện phát triển của từng vùng. Trong khi đó, số lượng các trường tiểu học và THCS giảm từ 727 trường tiểu học, 650 trường THCS năm học 2010-2011 xuống còn 694 trường tiểu học và 629 trường THCS. Sự giảm số lượng các trường tiểu học, THCS do thực hiện quy định về sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh để nâng cao hiệu quả hoạt động của các trường, tránh lãng phí nguồn lực. Theo đó, mỗi xã phường, thị trấn có 01 trường mầm non công lập (637 xã, phường, thị trấn); 01 trường tiểu học công lập có từ 10 lớp trở lên (quy mô học sinh tối thiểu theo vùng, miền: núi cao 200 học sinh; núi thấp 250 học sinh; trung du, đồng bằng, ven biển: 270 học sinh; thành phố, thị xã: 300 học sinh); 01 trường THCS công lập có từ 08 lớp trở lên (quy mô học sinh tối thiểu theo vùng miền: núi cao 254 học sinh; núi thấp 280 học sinh; trung du, đồng bằng, ven biển: 296 học sinh; thành phố, thị xã: 312 học sinh) [70].
Số lượng các trường mầm non, tiểu học, THCS được sắp xếp lại và phát triển theo hướng hợp lý đã góp phần gia tăng số lượng học sinh đến trường ở các cấp học. Giai đoạn 2011-2017, mục tiêu về duy trì tỷ lệ trẻ đến trường ở các cấp học cơ bản đạt được. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo năm 2017 đạt 100%, tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ (3-5 tuổi) đạt 115,33%. Tỷ lệ học sinh đi học tiểu học đạt 100%, THCS đạt khoảng 95%, THPT đạt từ 60-69%. Tỷ lệ trẻ em đi học đúng tuổi ở các cấp học cũng cơ bản đạt mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn. Trong đó, tỷ lệ trẻ em đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt trên 98%; cấp THCS đạt từ 93-97%; cấp THPT đạt khoảng 60% (riêng năm học 2016-2017 đạt 85%). Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào tháng 4/2015; Kết phổ quả cập giáo dục tiểu học và THCS đúng độ tuổi được duy trì và giữ vững.
Để lại một bình luận