Sự phát triển kinh tế – xã hội trong các vùng biển, đảo nói chung và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng, luôn gắn chặt với đời sống mưu sinh của cộng đồng cư dân trong các vùng biển, đảo. Do đó việc khai thác các nguồn lợi từ biển, hải đảo phải đi đôi với việc bảo vệ, quản lý nguồn lợi biển, đảo. Trên thế giới có nhiều quốc gia đã xây dựng mô hình quản lý dựa trên cơ sở cộng đồng, đặc biệt là những nước đang phát triển và được thừa nhận là phương thức hiệu quả, ít tốn kém để duy trì và quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học và đáp ứng các mục tiêu bảo tồn khác cũng như nhu cầu sinh kế của con người như Phillipine, Indonesia là những quốc gia đầu tiên sớm mạnh dạn triển khai áp dụng mô hình quản lý dựa vào cộng đồng và đã đạt được những thành công nhất định. Thông qua mô hình này cộng đồng địa phương ven biển được trao quyền cụ thể, có kiểm soát trong việc quản lý các nguồn lợi ven biển. Điều này đã tăng cường sự chủ động, thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn của cộng đồng trong việc cùng chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong việc quản lý và bảo tồn hiệu quả các nguồn lợi biển.
Với hầu hết các huyện, thị, thành phố đều có biển, đảo nên Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ có nguồn lợi về thủy sản mà còn có các nguồn lợi từ du lịch biển, đảo. Song vấn đề đặt ra là việc bảo vệ các nguồn tài nguyên không chỉ thuộc về các ngành chức năng, mà trong đó vai trò của cư dân ven biển, trên các vùng đảo là hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy đa số dân cư ở vùng ven biển, đảo thường có mực sống trung bình và nghèo, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lợi biển, đảo. Để giảm thiểu áp lực đối với nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo việc chú trọng tăng cường áp dụng các giải pháp trong quản lý tài nguyên, đồng thời chú trọng các giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp, đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển. Tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, đã có nhiều hoạt động, chương trình đa dạng tạo sinh kế bền vững cho cư dân ven biển được triển khai như đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ nuôi trồng thủy sản bền vững, xây dựng chương trình du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn biển, đảo tạo nghề hướng dẫn viên du lịch cho cộng đồng dân cư. Tại Phillipine, việc thành lập các khu bảo tồn ở quần đảo Apo đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực du lịch cho cư dân ven biển, theo ước tính hơn một nửa số hộ gia đình của Apo tham gia vào công việc du lịch. Ở California (Mỹ) ngư dân tham gia công việc hỗ trợ giám sát và nghiên cứu các khu bảo tồn, đây là một kinh nghiệm tốt để địa phương học tập và thực hiện.
Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối kết hợp với Sở Giáo dục, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… có những chương trình truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư về khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo, giúp cộng đồng hiểu rõ và quan tâm hơn đến biển, đảo, nhất là chính sách, pháp luật liên quan đến biển, đảo; thường xuyên tổ chức các chương trình văn hóa như “Em yêu biển, đảo quê hương”, “Học sinh hướng về biển, đảo”, hay “Chung tay xây dựng biển, đảo quê hương”… Đây là nội dung quan trọng mà nhiều nước trên thế giới hết sức quan tâm, chú ý đẩy mạnh. Ví dụ tại Nhật Bản, nhằm tăng sự hiểu biết sâu rộng hơn về biển, đảo trong toàn dân, chính phủ Nhật đã tích cực phổ biến tuyên truyền, thúc đẩy giáo dục xã hội và học đường về biển, đảo, tuyên truyền phổ biến rộng rãi thông tin liên quan về Luật Biển, chú trọng phổ cập hóa thông qua các hoạt động vui chơi giải trí biển, đảo. Đây cũng là phương thức có thể nghiên cứu học hỏi và áp dụng ở nước ta và tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Để mô hình quản lý cộng đồng có hiệu quả thì việc giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển, đảo cũng hết sức quan trọng, nhằm tăng cường hiểu biết của nhân dân về mối quan hệ cộng sinh giữa biển, đảo và con người, xây dựng nguồn nhân lực có kiến thức, kĩ năng, khả năng tư duy để quản lý, sử dụng bền vững, khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo góp phần vào sự phát triển bền vững, chính vì vậy tỉnh phải luôn bổ sung chính sách thúc đẩy giáo dục, đào tạo về biển, đảo. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm được nhiều quốc gia có biển trên thế giới nêu trong các chính sách, chiến lược về biển.
Để lại một bình luận