Trước hết về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật trong ngành thủy sản: Đảng và Nhà nước ta đã xác định nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực. Theo chủ trương của Nhà nước trong chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành thủy sản thì việc đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ khuyến ngư các cấp là hết sức cần tiết và cấp bách, ưu tiên đào tạo chuyên ngành công nghệ sinh học, các ngành ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chế biến thủy sản. Và đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thủy sản là chính sách then chốt có ý nghĩa chiến lược phát triển kinh tế biển từ nay đến 2030; do đó phải tiếp tục đầu tư, nâng cấp các trường đại học, Viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo thủy sản hiện có, cả về cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu; cải tiến nâng cao chất lượng chương trình đào tạo; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở nghiên cứu, đào tạo ngoài công lập nhằm thu hút đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thủy sản. Vì vậy để có được đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, chuyên gia, về thủy sản thì tỉnh phải:
+ Tập trung xây dựng chiến lược đào tạo dài hạn và đào tạo lại để có lực lượng lao động và cán bộ quản lý có trình độ thích ứng với đòi hỏi của hội nhập, trước mắt là thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng từ khâu tổ chức khai thác, nuôi trồng, bảo quản và chế biến; có chính sách trọng dụng nhân tài, đãi ngộ hợp lý đối với người lao động, cử tuyển con em ngư dân đi đào tạo tại các trường Đại học, các trường kỹ thuật và trường dạy nghề thủy sản, đặc biệt đối với lĩnh vực khai thác thủy sản, hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên, cán bộ trẻ ngành thủy sản đi đào tạo trình độ cao (đại học, thạc sỹ, tiến sỹ) tại các trường Đại học trong nước và ở các nước tiên tiến; coi trọng đào tạo bồi dưỡng thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ tàu, thuyền.
+ Đầu tư đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác thống kê, dự báo, nhằm ứng dụng tốt công nghệ tin học, viễn thông, sử dụng công nghệ vệ tinh trong quản lí khai thác hải sản, nghiên cứu ứng dụng công nghệ dự báo tiên tiến, phục vụ cho ngư dân và các cơ quan chức năng trong quản lý ngành thủy, hải sản.
+ Huy động mọi tiềm năng để đào tạo đồng bộ nguồn nhân lực theo một cơ cấu hợp lý giữa đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và thợ lành nghề; chú trọng đội ngũ cán bộ chuyên sâu, cán bộ nghiên cứu khoa học đầu ngành để tiếp cận nền kinh tế tri thức, phục vụ cho việc phát triển có hiệu quả ngành chế biến thủy sản; đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quảng bá sản phẩm, các chuyên gia trong lĩnh vực xúc tiến thương mại ra nước ngoài có trình độ chuyên ngành thủy sản, có trình độ ngoại ngữ tốt và năng lực làm việc phù hợp với các điều kiện của các nước trên thế giới.
– Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho ngư dân và công nhân trong lĩnh vực đánh bắt và chế biên thủy sản: Theo các chuyên gia kinh tế cũng như kinh nghiệm của ngư dân thì việc đầu tư vốn để mua sắm các loại phương tiện bảo quản, chế biến tiên tiến là hết sức quan trọng, nó quyết định đến 60% chất lượng sản phẩm; thì trình độ học vấn của ngư dân cũng là yếu tố hết sức quan trọng, nó quyết định đến chất lượng đánh bắt, nuôi trồng, khai thác, thu mua, bảo quản, chế biến thành phẩm các hàng hóa thủy sản; nhưng hiện nay phần lớn sản lượng thủy sản được bà con, thu mua, chế biến theo phương pháp truyền thống, nên không đảm bảo chất lượng, giá trị thực phẩm không cao, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo, chưa tạo được uy tín với người tiêu dùng. Và theo dự báo của ngành thủy sản thì lao động cho lĩnh vực chế biến thủy sản của Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2015 là 72.000 lao động và đến năm 2020 con số này là 80.000 người. Tuy nhiên cũng như thực trạng của cả nước trình độ học vấn của ngư dân đi biển nhìn chung còn rất thấp, khoảng 8,4% mù chữ, trên 50% mới tốt nghiệp tiểu học, đặc biệt là lao động nữ hiện đang làm việc trong các cơ sở chế biến thủy sản. Phần lớn lao động khai thác hải sản không được chủ tàu ký kết hợp đồng bằng văn bản, chỉ thoả thuận miệng, nên tình trạng quản lý, sử dụng lao động không ổn định, thiếu hụt, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất; trong khi đó công tác đào tạo nghề cho ngư dân còn nhiều hạn chế, bất cập. Do đó tỉnh cần chỉ đạo cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn thanh niên, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh, kết hợp các hợp tác xã khai thác, các cơ sở chế biến trong việc đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức văn hóa tối thiểu và những kỹ năng cần thiết để lực lượng lao động trong lĩnh vực thủy sản có thể tham gia lao động lâu dài; biết giữ gìn, chăm sóc sức khỏe cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm, hoặc để nâng cao hiệu quả hoạt động đánh bắt xa bờ, phải tổ chức đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên cho ngư dân đi biển, tăng cường hỗ trợ kiến thức, kỹ năng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, xử lý các thiệt hại đối với các phương tiện sản xuất bị mất, bị hư hỏng, cho ngư dân v.v… Tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện về cơ chế cho các trường, các cơ sở đào tạo và các chủ cơ sở sản xuất để thực hiện được nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho ngư dân.
Để lại một bình luận