Để cho các hoạt động khai thác, nuôi trồng và các hoạt dịch vụ hậu cần thủy sản có thể vận hành một cách trôi chảy, hiệu quả và hạn chế những tác động tiêu cực thì một giải pháp hết sức quan trọng đó là phải hoàn thiện mô hình bộ máy quản lý nhà nước chuyên ngành thủy sản từ Trung ương đến các địa phương. Hoàn thiện lực lượng Kiểm ngư Việt Nam; nâng cao năng lực công chức và tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành thủy sản; xây dựng các tiêu chuẩn, qui chuẩn, qui trình, định mức kinh tế kỹ thuật quản lý thủy sản; hướng dẫn việc thực thi pháp luật về thủy sản, luật biển theo luật pháp quốc tế.
Thực hiện quy chế đồng quản lý trong tổ chức hoạt động các Trung tâm nghề cá lớn, tạo sức hút, động lực phát triển cho ngành thủy sản phát triển theo hướng CNH, HĐH, ổn định, bền vững và hiệu quả. Tiếp tục điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản làm cơ sở cho quy hoạch và tổ chức sản xuất trong khai thác hải sản. Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn làm cơ sở quản lý ngành nghề khai thác thủy sản. Tổ chức quản lý quy hoạch thủy sản phối hợp, gắn kết chặt chẽ với các quy hoạch trong ngành nông nghiệp và các ngành khác, đặc biệt là quy hoạch thủy lợi, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch du lịch, quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp… bảo đảm phát triển bền vững hài hòa lợi ích của các lĩnh vực, các ngành trong nền kinh tế.
Thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc giao UBND các tỉnh, thành ven biển tăng cường công tác quản lý quy hoạch các hoạt động thủy sản; phân cấp quản lý các vùng biển, đảo, các lĩnh vực hoạt động kinh tế trên biển; Phân cấp quản lý sử dụng mặt nước biển ven bờ cho chính quyền địa phương các cấp theo đúng Luật Thủy sản; thực hiện cải cách hành chính trong cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản và các lĩnh vực liên quan đến hoạt động kinh tế trên biển; Tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm trong quản lý và hoạt động thủy sản. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân không xâm phạm trái phép vùng biển nước ngoài; nghiêm cấm và xử lý nghiêm tình trạng khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, hóa chất độc hại ở các vùng ven biển, trên biển, đảo.
Nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong công tác khuyến ngư, bảo vệ các nguồn lợi thủy sản, đẩy mạnh việc tư vấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học – công nghệ cho ngư dân, phòng chống lụt bão, duy trì thường xuyên công tác an ninh, quốc phòng bảo vệ an toàn cho ngư dân và các nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái.
Áp dụng công nghệ sản xuất sạch trong chế biến thủy sản, thông qua hiện đại hoá dây chuyền công nghệ, thay thế dần cách chế biến truyền thống; xây dựng cơ chế, chính sách, nội quy về bảo vệ môi trường trong cơ sở chế biến. Các cơ quan Truyền thông, Giáo dục, Văn hóa, Môi trường, thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người lao động trong các cơ sở chế biến thủy sản, trong cộng đồng dân cư, trong học sinh và toàn xã hội; xử lý chất thải từ hoạt động chế biến thủy sản theo quy tiêu chuẩn quốc gia, di dời các cơ sở chế biến thủy sản vào trong khu công nghiệp, đảm bảo môi trường ở các khu dân cư. Đẩy mạnh vai trò quản lý của các ngành chức năng, thiết lập các khuôn khổ pháp chế đầy đủ, tạo điều kiện cho việc xuất – nhập khẩu thủy sản.
Để lại một bình luận