Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam chiếm khoảng 47-48% GDP cả nước, trong đó riêng kinh tế trên biển chiếm khoảng 22% tổng GDP. Các lĩnh vực dịch vụ có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí, chế biến thuỷ, hải sản, thông tin liên lạc, v.v… bước đầu phát triển, nhưng còn nhỏ bé. Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị tổng sản phẩm hằng năm còn nhỏ bé, chỉ bằng 1/20 của Trung Quốc, 1/94 của Nhật Bản, 1/7 của Hàn Quốc và 1/260 kinh tế biển của thế giới. Những năm qua, do chưa có chiến lược tổng thể, cho nên các ngành, các địa phương thiếu căn cứ để quy hoạch. Tính đồng bộ của các chủ trương, chính sách ở tầm vĩ mô, nhận thức về vai trò, vị trí của biển, đảo; sự quan tâm phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển, đảo của các cấp, các ngành, còn nhiều hạn chế. Cho đến nay, nước ta chưa có một cơ quan nhà nước để quản lý thống nhất về biển (tuy đã có Ban chỉ đạo Biển Đông – Hải đảo, thành lập năm 1993) nên còn bất cập về công tác quản lý nhà nước. Nhiều Bộ, ngành cùng tham gia quản lý biển nên có tình trạng chồng chéo, trong khi nhiều khâu lại bị bỏ trống.
Nhìn chung cho đến nay nước ta vẫn chưa có cơ quan chuyên trách giúp Chính phủ quản lý, điều hành chung các hoạt động kinh tế trên biển, đảo dẫn đến hiệu quả kinh tế biển phát triển chậm, thiếu bền vững và cơ cấu chưa hợp lý.
Những hạn chế về cơ chế, chính sách phát triển cơ sở hạ tầng vật chất trong vùng biển, đảo nước ta
Mặc dù đã có những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển, đảo, nhưng thực chất vẫn chưa đủ mạnh để tạo động lực kích thích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế biển như: Hệ thống cảng, dịch vụ logistics, dịch vụ khai thác khoáng sản, du lịch biển, dịch vụ hậu cần thủy sản… việc quy hoạch vẫn còn dàn trải, các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều yếu kém cả về năng lực kỹ thuật, con người, hệ thống pháp luật trong đó có Luật Hàng hải còn nhiều bất cập so với các chủ trương, chính sách phát triển, ngoài ra việc thực thi một số luật còn chưa thực sự nghiêm minh như Luật Hải quan, Luật Thuế, Luật Đầu tư nước ngoài…
Do vậy đến nay Việt Nam được xếp hạng thấp nhất về cơ sở hạ tầng vận tải trong số các nền kinh tế trọng điểm ở khu vực Đông Nam Á, trang thiết bị còn lạc hậu, chưa đồng bộ nên hiệu quả thấp. Các chỉ tiêu hàng thông qua cảng trên đầu người rất thấp so với các nước trong khu vực (chỉ bằng 1/140 của Singapore, 1/7 của Malaysia và 1/5 của Thái Lan). Năng suất xếp dỡ chỉ đạt mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực (khoảng 2.500-3.000 tấn/mét/năm), các doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam vẫn hoạt động độc lập thiếu hẳn sự liên kết giữa các hãng tàu, chủ hàng; trình độ ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, kết nối thông tin với mạng logistics toàn cầu chưa được thường xuyên, các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như cảng tàu du lịch, khu nghỉ dưỡng, chữa bệnh, các khu sinh thái ven biển, đảo chưa được cải tạo, nâng cấp.
Hệ thống đường giao thông kết nối với hệ thống cảng biển, các thành phố, khu kinh tế, KCN ven biển trở thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn, nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn thiện, một số sân bay ven biển và trên một số đảo tuy đã được nâng cấp nhưng vẫn còn rất nhỏ bé chưa thực sự trở thành một hệ thống vận tải chuyên nghiệp phục vụ cho phát triển kinh tế vùng biển và trên các đảo.
Để lại một bình luận