Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong 7 tỉnh của khu vực Đông Nam Bộ, nằm sát với các trung tâm kinh tế lớn như TP Hồ Chí Minh, các trung tâm công nghiệp Biên Hòa, Long Thành (Đồng Nai), Bình Dương nên việc thu hút nhân tài cũng gặp rất nhiều khó khăn, tỉnh chưa có những chính sách đột phá để thu hút nguồn lao động có trình độ chuyên môn cao như Bình Dương hay TP Hồ Chí Minh, với hầu hết các huyện, thị, thành trong tỉnh có biển, đây là lợi thế quan trọng để phát triển kinh tế biển, đảo góp phần phát triển nền kinh tế xã hội địa phương. Song do đặc điểm của cư dân ven biển thường có trình độ thấp, nên đây là hạn chế về nguồn nhân lực phục vụ cho nhiều lĩnh vực kinh tế của địa phương như công nghiệp, dịch vụ du lịch, kể cả trong lĩnh vực thương mại, thủy sản và các ngành nghề đòi hỏi trình độ cao khác. Việc đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng đã được tỉnh quan tâm, nhưng chưa thực sự đúng với nhu cầu, chủ yếu là các ngành quản trị kinh doanh, ngân hàng, tài chính, dầu khí.., còn các lĩnh vực như cảng biển, du lịch, thủy sản thì số lao động được đào tạo quá ít, hơn nữa có một thực tế là kể cả có sinh viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành nhưng cũng rất khó khăn khi tìm kiếm việc làm, trong khi không ít lao động trình độ thấp, thậm chí chưa qua đào tạo lại tham gia nhiệm vụ quản lý hoặc trực tiếp tham gia làm các công việc kể trên.
Là một tỉnh được coi là năng động, với nhiều ngành kinh tế, nhiều thành phần, nhiều doanh nghiệp cùng tham gia vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường, nhưng cho đến nay công tác quy hoạch vẫn chưa hoàn thiện, thiếu tính đồng bộ, cụ thể như việc quy hoạch các khu công nghiệp, khu cảng biển và dịch vụ logictics, khu chế biến thủy sản, các khu du lịch đặc thù, hoặc đã được quy hoạch nhưng chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu công khai minh bạch, điều này sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Nhiều hạng mục công trình, dự án đã được tỉnh đầu tư xây dựng với nguồn ngân sách lớn của Nhà nước, nhưng đến nay vẫn chưa phát huy hiệu quả, thậm chí phải bỏ hoang vì không phù hợp với các điều kiện sử dụng gây lãng phí xã hội lớn như các khu đất, mặt nước, đường sá, bến bãi, các trung tâm thương mại… gây khó khăn đến các hoạt động thương mại, dịch vụ vận tải, du lịch, chế biến, tiêu thụ các loại hàng hóa nói chung và hải sản nói riêng trên địa bàn tỉnh.
Được trung ương xác định là trung tâm cảng biển của khu vực Đông Nam Bộ, và của cả nước; đồng thời còn là trung tâm trung chuyển hàng hải quốc tế. Tuy nhiên hiện nay việc quy hoạch hệ thống cảng biển của tỉnh còn nhiều vấn đề như sự lộn xộn trong kinh doanh dịch vụ cảng, tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, việc thu phí, lệ phí, thuế chưa đồng bộ, việc tăng, giảm phí, thuế của các doanh nghiệp kinh doanh cảng một các tùy tiện.
Bà Rịa – Vũng Tàu được biết đến là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước với nhiều loại hình du lịch như du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, đặc biệt là du lịch biển, đảo, du lịch nghĩ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên đến nay du lịch của tỉnh vẫn thua kém xa so với nhiều địa phương khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, kể cả Bình Thuận là tỉnh tiếp giáp với Bà Rịa – Vũng Tàu; một trong những hạn chế, yếu kém đó là công tác quản lý các hoạt động du lịch. Các hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bản chủ yếu chỉ diễn ra ban ngày và còn mang tính tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, hàng loạt các tiêu cực như lừa dối du khách, chèo kéo, bắt chẹt, tăng giá, từ các dịch vụ ăn uống, đến dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, các khu vực nghỉ ngơi, vui chơi của du khách, hiện tượng tranh giành khách du lịch, kể cả trộm cắp, móc túi nhất là khách quốc tế, diễn ra thường xuyên, thái độ phục vụ thiếu văn minh, lịch sự, nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Hệ thống biển báo hiện nay tại các khu du lịch trung tâm của thành phố Vũng Tàu, các khu bãi tắm ven biển, đến các khu du lịch ở các huyện trong tỉnh hầu như không có hoặc khó tìm thấy, nên khó khăn cho du khách khi muốn di chuyển đến các địa điểm du lịch khác, kể cả ngay tại các điểm du lịch văn hóa tâm linh của thành phố Vũng Tàu; các dịch vụ tắm biển còn hết sức nghèo nàn, từ dịch vụ cho thuê áo tắm, dịch vụ ghế ngồi, chòi nghỉ, khu buồng tắm nước ngọt, dịch vụ ăn uống đến các dịch vụ vui chơi như ca nô, tàu lượn, thuyền câu cá mực, dịch vụ vận chuyển hành khách như xe bus, xe điện đến các điểm du lịch trong tỉnh hầu như chưa có, để mặc cho các chủ taxi lộng hành “chặt chém” một cách tùy tiện, nhiều khu vực bãi tắm lượng rác thải sinh hoạt còn nhiều gây mất vệ sinh mà không được dọn dẹp thường xuyên trong ngày. Các hoạt động văn hóa, tâm linh diễn ra còn lộn xộn, nạn đốt vàng mã, rải tiền, diễn ra hết sức bừa bãi, thiếu văn minh, kể cả ở khu vực các Chùa, các khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ…, nạn xin ăn, vé số, cò mồi…, gây ra nhiều bức xúc cho du khách vẫn chưa được khắc phục, nhiều khu du lịch các dịch vụ như: Bãi để xe, dịch vụ trông giữ xe, nhà vệ sinh công cộng, đến các dịch vụ như hệ thống ATM, Internet…, còn rất kém, một số nơi không có. Do vậy hầu hết du khách, nhất là khách quốc tế chỉ đến Bà Rịa – Vũng Tàu một lần rồi không muốn quay trở lại.
Để lại một bình luận