Đề cập đến vị trí, vai trò kinh tế của biển, đảo và đại dương, các chiến lược gia trên thế giới đều thống nhất một quan điểm rằng: Biển, đảo và đại dương là nơi dự trữ cuối cùng của loài người về lương thực, thực phẩm và các nguồn nguyên nhiên liệu ở thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo, đặc biệt khi thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng thiếu tài nguyên thiên nhiên trên đất liền; thực tế lịch sử cũng cho thấy những đột phá phát triển mang tầm thế giới hầu như đều bắt nguồn từ những quốc gia biển và mỗi thời đại phát triển đều gắn kết với biển, đảo và đại dương.
Do đó đối với các quốc gia biển nói chung và Việt Nam nói riêng cần xác định rõ vai trò, vị trí của biển đảo trong phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo mà nhất là các lĩnh vực kinh tế dịch vụ trên biển, đảo có giá trị kinh tế cao; đồng thời có các chủ trương, đường lối, chính sách giữ gìn, bảo vệ, tái tạo các nguồn tài nguyên biển, đảo cho hiện tại và tương lai.
Kinh tế dịch vụ trong phát triển vùng biển, đảo có bản chất tương hợp với toàn cầu hóa, mở cửa, hội nhập quốc tế
Toàn cầu hoá kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ dưới tác động thúc đẩy của cách mạng khoa học – công nghệ và kinh tế tri thức; cùng với đó là tiến trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng trong mọi lĩnh vực; nền kinh tế thế giới cũng như mỗi quốc gia ngày càng trở nên năng động, liên kết với nhau chặt chẽ hơn. Trong bối cảnh đó các quốc gia phải phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực chuẩn bị về mọi mặt để hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh, biển, đảo đóng vai trò vô cùng quan trọng của mỗi quốc gia có biển, đảo trong quá trình phát triển của mình. Nhiều quốc gia có biển đã có những chính sách giữ gìn tài nguyên khoáng sản trong vùng biển của nước mình rất nghiêm ngặt và coi đó là một nguồn dự trữ quan trọng, bên cạnh đó lại khai thác ở những vùng biển khác. Và có chiến lược đầu tư cho khoa học – công nghệ biển, đặc biệt chú trọng vào công nghệ khai thác các lợi thế về biển như: Khai thác các nguồn năng lượng (dầu khí, sức gió, thủy triều); dịch vụ hàng hải quốc tế, dịch vụ cảng biển quốc tế, dịch vụ đóng mới và sửa chữa tàu biển; dịch vụ du lịch biển, nhất là du lịch bằng tàu du lịch quốc tế.
Dân số tăng, nguồn tài nguyên trên đất liền ngày một cạn dần, tình trạng đói nghèo, không gian để sinh tồn ngày càng thu hẹp vẫn là những thách thức của mỗi quốc gia. Nhìn ra biển với tư duy kinh tế đang được hình thành ở những quốc gia có biển, đảo, từ các cường quốc như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, đến các nước Đông Nam Á… đang mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế thông qua các các tiềm năng, lợi thế từ biển, đảo, kể cả việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng về chính trị, quân sự. Vì vậy ngoài việc khai thác thì bảo vệ tài nguyên biển, đảo và được xem là một nhiệm vụ quan trọng của các quốc gia biển trong thế kỷ XXI.
Để lại một bình luận