Nếu xét trong một phạm vi hẹp thì kinh tế dịch vụ trong phát triển vùng biển, đảo bao gồm các ngành kinh tế vùng ven biển, là toàn bộ các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển, vùng ven biển và các đảo nó bao gồm các hoạt động kinh tế chủ yếu như: dịch vụ vận tải biển, dịch vụ cảng biển; dịch vụ thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản đặc biệt là dịch vụ dầu khí; dịch vụ du lịch biển; dịch vụ khai thác muối; dịch vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn… Còn theo nghĩa rộng thì kinh tế dịch vụ trong vùng biển, đảo là bao gồm các hoạt động kinh tế dịch vụ trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến các hoạt động của các ngành kinh tế diễn ra trên biển, vùng biển, vùng đất liền ven biển, bao gồm: ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, ngành kinh tế hàng hải; công nghiệp chế biến dầu, khí; công nghiệp chế biến thuỷ, hải sản; cung cấp các dịch vụ trên biển; thông tin liên lạc; nghiên cứu khoa học – công nghệ biển; đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; điều tra cơ bản về tài nguyên – môi trường biển… Và cả các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp khác trong phạm vi địa bàn lãnh thổ này. Do đó các hoạt động kinh doanh dịch vụ là nhằm đáp ứng cho các ngành kinh tế nói trên. Khi kinh tế dịch vụ trong vùng biển, đảo đáp ứng tốt các hoạt động kinh tế nói trên sẽ:
– Trực tiếp tham gia các chuỗi giá trị của các sản phẩm hàng hóa, góp phần làm cho các ngành kinh tế phát triển mạnh mẽ, tạo ra hiệu quả kinh tế cao, đem lại nguồn lợi lớn cho quốc gia, lợi nhuận cho doanh nghiệp và thu nhập cho người dân tham gia các hoạt động dịch vụ.
– Tạo động lực để lôi kéo, thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển; kinh tế dịch vụ trong vùng biển, đảo là “hạt nhân” tạo sự chuyển biến cơ bản để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đồng thời góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái và môi trường sống của cư dân vùng biển, đảo.
– Góp phần xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại, làm động lực thúc đẩy cho kinh tế cả nước phát triển với tốc độ nhanh. Tạo ra một sự kết hợp kinh tế ven biển, kinh tế trên biển và kinh tế hải đảo với các khu vực nội địa để phát triển nhanh, ổn định và bền vững.
– Tạo điều kiện để tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế biển, vùng ven biển các đảo một cách toàn diện. Phát huy triệt để và có hiệu quả các nguồn lực bên trong kết hợp với tranh thủ sự hợp tác và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài theo nguyên tắc cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền và trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, hội nhập. Song để phát triển kinh tế dịch vụ trong vùng biển, đảo thì những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đóng một vị trí vô cùng quan trọng.
Để lại một bình luận