Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực trong khu vực dịch vụ và xuất, nhập khẩu dịch vụ. Tuy nhiên xét một cách toàn diện thì thị trường dịch vụ nước ta phát triển một cách thiếu đồng bộ, sự quản lý non kém của Nhà nước đã làm cho các hoạt động dịch vụ diễn ra lộn xộn, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh dịch vụ tùy tiện nên đã xảy ra nhiều tiêu cực nhất là trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, dịch vụ quảng cáo – tiếp thị, dịch vụ tư vấn, môi giới, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ văn hóa nghệ thuật…, kinh doanh dịch vụ vẫn còn mang tính thời vụ, tư tưởng kinh doanh chụp giật, chưa coi trọng chất lượng và uy tín; nghiêm trọng hơn là trong kinh doanh hàng giả, dịch vụ nhà nghỉ, phòng trọ, karaoke trá hình…, tất cả đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững nền kinh tế và đã gây ra nhiều hệ lụy xã hội. Trong khi đó một số lĩnh vực dịch vụ cần thiết thì chưa được quan tâm khuyến khích đúng mức như dịch vụ giáo dục – đào tạo quốc tế, dịch vụ công, dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp, thủy sản, chăm sóc người cao tuổi… Một số lĩnh vực dịch vụ quốc tế chưa phát huy được thế mạnh như dịch vụ vận tải quốc tế, dịch vụ thanh toán quốc tế, viễn thông quốc tế…, vẫn còn khiêm tốn trong việc đóng góp vào GDP của đất nước.
Nhìn chung sau ngần 30 năm đổi mới, lĩnh vực dịch vụ nước ta tuy đạt được những thành tựu đáng kể, song vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có bước đột phá về ngành nghề, lĩnh vực, do đó tỷ trọng dịch vụ trong GDP còn thấp (xem bảng 2.3).
Như vậy trong gần 20 năm, từ 1995 đến 2013 cơ cấu kinh tế dịch vụ của nước ta gần như không tăng, sau khi đạt đỉnh 44,6% vào năm 1995 thì đã giảm mạnh như năm 2008 còn 38,1%, các năm 2010 tăng lên 42,8% nhưng hai năm sau, năm 2012 còn 41,7%, mặc dù năm 2013 có sự tăng trưởng trở lại ở tỷ trọng 43,3%, tuy nhiên đây vẫn là tỷ trọng chưa đảm bảo bền vững, nhiều lĩnh vực dịch vụ được coi là lợi thế như du lịch, dịch vụ hàng hải, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng…, vẫn chưa có bước đột phá; đây là một thách thức lớn đối với sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, cũng như mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo xu hướng của thế giới.
Với tỷ trọng của kinh tế dịch vụ tăng, giảm không đều trong những năm qua có một số vấn đề đặt ra trong nhóm ngành dịch vụ đó là. Cho đến nay tỷ trọng nhóm ngành này trong GDP của Việt Nam thuộc loại thấp trên thế giới (đứng thứ 5/8 nước trong khu vực ASEAN, thứ 26/40 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á và thứ 123/150 nước và khu vực trên thế giới [111]. Và mặc dù tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực dịch vụ trong tổng số lao động trong toàn bộ nền kinh tế có tăng lên nhưng tỷ trọng đóng góp trong GDP lại tăng không đáng kể, năm 1995 lĩnh vực dịch vụ chiếm 17,0% lao động, năm 2000 là 19,0% lao động, năm 2005 là 27,1%, năm 2010 là 26,6% lao động và năm 2013 là 32% lao động [169]. Một số dịch vụ như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng tăng trưởng chậm, thậm chí suy giảm, quy mô xuất khẩu dịch vụ còn rất nhỏ. Do vậy trong 10 năm trở lại đậy Việt Nam liên tục nhập siêu dịch vụ, năm 2012 là 3,1 tỷ USD, bằng 33% xuất khẩu dịch vụ; duy nhất dịch vụ du lịch xuất siêu, nhưng tỷ lệ khách du lịch/100 dân còn thấp so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore kể cả Campuchia và Lào.
Trong lĩnh vực quản lý và kinh doanh dịch vụ: Có thể nói đến nay đội ngũ cán bộ, nhà kinh doanh dịch vụ ở nước ta còn thiếu vế số lượng, yếu về chất lượng, đặc biệt là thiếu các doanh nhân có tầm nhìn chiến lược. Kinh doanh dịch vụ là ngành kinh tế của xã hội phát triển nó đòi hỏi người kinh doanh phải am hiểu thị trường, khả năng ngoại ngữ, năng động, biết thích nghi với thị trường trong và ngoài nước.
Để lại một bình luận