Trong những năm qua, ngành sản xuất thủy sản nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận cả về sản lượng và giá trị; Năm 2011, sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 2,52 triệu tấn (tăng gấp 6,1 lần so với năm 1990); kim ngạch xuất đạt trên 6,11 tỷ USD (tăng gấp 29,8 lần so năm 1990, năm 2013 sản lượng khai thác ước đạt 2,661 triệu tấn, xuất khẩu đạt khoảng 6,5 tỷ USD và năm 2014 xuất khẩu ước đạt khoảng 7 tỷ USD.Việt Nam thuộc trong nhóm 10 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Song từ năm 2001-2011, kinh tế thủy sản chỉ đóng góp vào GDP chung toàn quốc trung bình khoảng gần 3% GDP/năm. Đây là một con số vô cùng khiêm tốn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của một quốc gia biển.
Hơn nữa cho đến nay ngành thủy sản nước ta vẫn chưa thoát khỏi hình bóng của một nghề cá thủ công, trình độ sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, phát triển tự phát theo cơ chế thị trường, vẫn là một ngành khai thác tài nguyên tự nhiên theo kiểu tận thu, các hoạt động dịch vụ hậu cần thủy sản còn quá lạc hậu, chất lượng hải sản chưa được đảm bảo. Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua thủy sản lấy xuất khẩu làm mũi nhọn, tạo nguồn vốn để nhập khẩu thiết bị công nghệ chế biến. Do thiếu các cơ chế, chính sách, thiếu tầm nhìn xa, nên thành quả xuất khẩu thủy sản đã không có tác động tích cực tới phát triển ngành công nghiệp cơ khí phục vụ chế biến thủy sản. Vì thế, trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu, nghề cá vẫn chưa thoát khỏi tình trạng lạc hậu từ khai thác hải sản, đến sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học và chế biến xuất khẩu.
Về công tác dự báo thị trường tiêu thụ thủy sản trong và ngoài nước còn rất hạn chế, nhất là công tác đầu tư xúc tiến thương mại còn chậm, thiếu kinh nghiệm, các doanh nghiệp tự xoay xở trong cơ chế thị trường, tự tìm đầu ra cho sản xuất. Do không chủ động được thị trường nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, không thể xây dựng được chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do thiếu kiến thức thương mại thị trường, thiếu vốn đầu tư, thiếu các chính sách hỗ trợ đúng đắn, kịp thời của Nhà nước; công tác thống kê thủy sản bị buông lỏng, sự thiếu quy hoạch giữa sản xuất nguyên liệu và nhà máy chế biến đã dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu, dư thừa công suất sản xuất. Theo thống kê của VASEP, một số nhà máy chế biến thủy sản được đầu tư rất lớn, trong khi đó công suất thực tế hoạt động chỉ đạt 50-70% tùy thuộc từng nhà máy. Việc đầu tư không có hiệu quả đồng nghĩa với việc nâng cao giá thành sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Công tác quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn, chưa thực hiện tốt từ khâu sản xuất nguyên liệu đến bảo quản sau thu hoạch và chế biến, công tác kiểm tra giám sát chất lượng, đến nay nước ta vẫn chưa có thanh tra chuyên ngành về chất lượng, an toàn vê ̣sinh thủy sản.
Có thể nói đến nay, ngành thủy sản vẫn rất lúng túng trong chiến lược phát triển theo chiều sâu, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần từ khai thác, chế biến, tiêu thụ đến xuất khẩu.
Nếu so sánh với Thái Lan một nước có diện tích biển, đảo chỉ bằng khoảng 60% diện tích biển nước ta thì ngành thủy sản nước ta còn nhiều hạn chế trong khâu chế biến và xuất khẩu (năm 2014).
Như vậy với những tiềm năng và lợi thế vượt trội về diện tích biển và nguồn lực con người trong khái thác thủy, hải sản thì chúng ta vẫn là nước chậm phát triển, hơn nữa là một quốc gia biển, nhưng hàng năm nước ta vẫn là nước nhập khẩu thủy sản từ Thái Lan, chỉ tính trong 8 tháng đầu năm 2014 Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu thủy sản từ Thái Lan với trên 17 nghìn tấn, trị giá 70 triệu USD và hiện tại Việt Nam là nước nhập khẩu đứng thứ 13 đối với thủy sản của Thái Lan. Mặc dù không phải là quốc gia biển nhưng theo Tổ chức lương thực thế giới (FAO) thì ngành thủy sản của Thái Lan cũng đóng góp khoảng 2,5 % GDP của xã hội.
Để lại một bình luận