Bà Rịa – Vũng Tàu cũng là những địa phương có nhiều làng nghề truyền thống như nghề làm bánh tráng truyền thống An Ngãi (Long Điền) làm nước mắm Phước Hải (Đất Đỏ), làng nghề làm bún Long Kiên (Bà Rịa) cùng với đó là những khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như Địa đạo Long Phước, Chiến Khu Minh Đạm, khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, khu di tích tâm linh Dinh Cô, cùng với nhiều khu di tích khác như: Điện thờ Bà Rịa, Chùa Long Bàn Cổ Tự, khu nhà cổ Long Điền, khu Nhà cổ họ Mạc, khu nhà cổ họ Nguyễn Hoàng (Long Điền), nhà Lớn Đạo Ông Trần ở đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu)…, hứa hẹn đây là những trung tâm du lịch biển kết hợp với du lịch sinh thái và du lịch thăm quan các làng nghề, khu văn hóa, lịch sử, tâm linh đầy tiềm năng và là điều kiện phát triển nhiều lĩnh vực dịch vụ đi kèm, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó tỉnh còn tiếp giáp với các khu di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của Đồng Nại như: Văn miếu Trấn Biên (Biên Hòa), đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, khu du lịch Bửu Long, khu du lịch ven sông Đồng Nai, chiến khu Đ, mộ cổ Hàng Gòn, đàn đá Bình Đa, khu du lịch thác Giang Điền, khu du lịch Long Châu Viên (Xuân Tân, Long Khánh), khu du lịch Vườn Xoài, khu di tích cấp quốc gia – núi Chứa Chan (núi Gia Lào), khu du lịch sinh thái nổi tiếng Rừng Cát Tiên… đây là những tiềm năng to lớn để Bà Rịa – Vũng Tàu có thể liên kết với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ khai thác nhiều sản phẩm du lịch.
Trong những năm qua cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực năm 2012: Công nghiệp – xây dựng là 69,7%; Nông – Lâm – Ngư nghiệp là: 5,8% và Dịch vụ là 24,5%. Ước tính năm 2015 cơ cấu kinh tế của tỉnh là: Công nghiệp – xây dựng là 62%, Nông – lâm thủy sản là 3% và dịch vụ là 35%, phấn đấu đến năm 2020 sẽ là: Công nghiệp – xây dựng chiếm 61,55%, Nông – lâm – thủy sản 1,65% và Dịch vụ khoảng 36,8%. Hiện tại tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61%, cao hơn tỷ lệ của cả nước là 46%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia ước đạt 1,7%, thấp hơn nhiều so với cả nước. 100% xã, huyện đạt phổ cập trung học cơ sở, tiểu học đúng độ tuổi. Tỷ lệ huy động số cháu đi mẫu giáo trong độ tuổi đạt 87,7%; tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước sạch đạt 96% và 93% gia đình đạt chuẩn văn hóa.
Trong Nghị quyết của tỉnh Đảng bộ lần thứ V (2011) đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội định hướng đến năm 2020 là Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ trở thành tỉnh công nghiệp và cảng biển, là đô thị cảng lớn nhất nước với trung tâm logistics và công nghiệp hỗ trợ, trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước, đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 14%/năm, kể cả dầu khí bình quân 10,8%/năm, cơ cấu kinh tế là công nghiệp – xây dựng, dịch vụ và nông nghiệp.
Trong hơn 20 năm qua Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang tận dụng được lợi thế để tăng tốc phát triển kinh tế, trong đó chú trọng vào lĩnh vực kinh tế biển, đảo để phát triển nhanh, trở thành tỉnh có quy mô kinh tế lớn trong vùng cũng như cả nước. Thu ngân sách hàng năm đều tăng cao, đóng góp lớn vào ngân sách quốc gia. Do vậy đến nay Bà Rịa – Vũng Tàu là một địa phương có tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế khá cao, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng nhanh năm 1996 thu nhập trung bình chỉ đạt 21,48 triệu đồng/người/năm, đến năm 2002 đạt 57,68 triệu đồng và đến năm 2012 thu nhập bình quân của tỉnh là 12.864 $/ người, (kể cả dầu khí) ước tính năm 2013 sẽ là 13.217 $/ người (kể cả dầu khí) [48]. Năm 2015 GDP bình quân đầu người ước đạt 15.000 USD (kể cả dầu khí). Và đến năm 2020, GDP bình quân đầu người dự báo đạt 27.000 USD/người (tương đương thu nhập của các nước phát triển).
Như vậy với những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế – xã hội và nguồn lực con người nói trên, Bà Rịa – Vũng Tàu có đủ các điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ như dịch vụ công nghiệp, du lịch biển, đảo, dịch vụ khai thác và chế biển thủy hải sản, dịch vụ cảng biển và logistics, dịch vụ phục vụ cho công nghiệp khai thác khoáng sản ven bờ biển và trên biển, đây là những ngành kinh tế mũi nhọn, có thể giải quyết được nhiều lao động, đồng thời đem lại thu nhập cao cho người dân ven biển, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Để lại một bình luận