Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định như trên. Tuy nhiên, sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của một tỉnh có cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ là chủ yếu, nổi bật như:
– Đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung chưa được quy hoạch một cách đồng bộ, khoa học: Hệ thống cảng biển phát triển quá nhanh nhưng mang tính tự phát, phân tán, nhiều cảng, nhiều chủ; không tính đến tốc độ phát triển kinh tế, nguồn hàng, loại hàng, loại cảng với các loại dịch vụ đi kèm, nhiều cảng không có hàng, dẫn đến tàu không sử dụng hết trọng tải gây lãng phí, xuất hiện tình trạng bỏ cảng; bên cạnh có nhiều cảng lại quá tải, không đáp ứng được nhu cầu của tàu; giá cả dịch vụ cảng biển cũng hết sức lộn xộn, không ổn định, sự cạnh tranh về giá cả dịch vụ thiếu sự quản lý nên dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ; một số cảng chưa đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật như công nghệ bốc xếp, lưu kho, những kỹ thuật về luồng lạch, hoa tiêu cho tàu, biển dẫn tàu… Hệ thống đường bộ kết nối với hệ thống cảng biển với sân bay và các trung tâm dịch vụ logistics chưa hoàn thành, còn thiếu các ICD, hệ thống kho hàng, trung tâm phân phối, hệ thống dịch vụ logistics trong vùng còn yếu kém, hiện mới chỉ đảm nhiệm được một số khâu trong toàn bộ quá trình hoạt động logistics, các dịch vụ văn phòng, khu dân cư. Theo đánh giá của các nhà kinh tế trong và ngoài nước thì dịch vụ vận tải hàng hóa đường biển bao gồm dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics cho các khu công nghiệp trong khu vực Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng còn rất kém cả về số lượng và chất lượng.
– Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến dịch vụ logistics, nhưng chủ yếu đóng vai trò là nhà cung cấp vệ tinh như cho thuê kho bãi, làm đại lý hải quan, hoặc một vài dịch vụ trong chuỗi giá trị dịch vụ… Tuy đăng ký số lượng đông nhưng số doanh nghiệp thực sự có các hoạt động như trên rất ít. Hoạt động logistics ở Bà Rịa – Vũng Tàu manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp, chỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng vì chủ yếu là “làm thuê” cho các công ty nước ngoài.
– Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh và cả khu vực Đông Nam Bộ chưa đáp ứng được tốc độ phát triển hệ thống cảng nước sâu của Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án đường liên cảng nối các cảng của Bà Rịa – Vũng Tàu với các cảng của tỉnh Ðồng Nai mới khởi công; tuyến đường 695 nối các cảng trên tuyến sông Thị Vải – Cái Mép đang xuống cấp, công tác sửa chữa, duy tu thực hiện rất chậm; quốc lộ 51 dù được mở rộng, cũng đã trở nên quá tải, dự án tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa từ Bà Rịa – Vũng Tàu đi Ðồng Nai và TP Hồ Chí Minh còn nằm trên giấy.
– Về nguồn nhân lực phục vụ cho dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics: Kinh tế dịch vụ nói chung và dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics nói riêng là lĩnh vực tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương và các địa phương khác trong khu vực và cả nước. Tuy nhiên dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics là lĩnh vực còn tương đối mới ở nước ta, do vậy điều hết sức quan trọng là phải tìm kiếm, đào tạo, bồi dưỡng được nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Là tỉnh có vị trí thuận lợi nằm trong tam giác kinh tế vùng Đông Nam Bộ, với nhiều lợi thế thể thu hút nguồn nhân lực khắp cả nước về đây học tập, làm việc trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những địa phương có số dân tăng cơ học lớn trong cả nước. Song cho đến nay nguồn lao động phục vụ cho lĩnh vực kinh tế dịch vụ mà đặc biệt là dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics còn quá ít, thiếu về số lượng và kém về chất lượng.
Như vậy nguồn lao động làm việc trong các ngành kinh tế dịch vụ nói chung của tỉnh trong hơn 10 năm qua không ngừng tăng nhanh về số lượng, từ 79,798 ngàn người năm 2001 lên 163,184 ngàn người năm 2010 (tăng gấp đôi). Song chất lượng lao động thì tăng rất chậm, số lao động đã qua đạo tạo từ 35,9% năm 2001 lên 44,7% năm 2010, chưa đạt 10% (trong khi đó tỷ lệ lao động qua đào tạo trong khu vực nông nghiệp – thủy sản là 55%, nông nghiệp – xây dựng là 81,5% năm 2010) nhưng chủ yếu là thông qua các lớp đào tạo ngắn hạn, hoặc qua đào tạo trình độ trung cấp, số lao động được đào tạo này chủ yếu nằm trong các lĩnh vực dịch vụ như: Ngân hàng, du lịch, thông tin liên lạc, còn dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics thì hết sức khiêm tốn, đội ngũ các nhà quản lý thì hầu như không có, đây là một trong những thách thức lớn nhất trong phát triển kinh tế dịch vụ biển nói chung và dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics nói riêng của tỉnh.
Theo dự báo đến năm 2015 nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển các ngành dịch vụ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 267,1 ngàn người, số lao động đã qua đào tạo là 211,1 ngàn người chiếm khoảng 79% và đến năm 2020 con số này sẽ là 357,4 ngàn người với số lao động qua đào tạo là 87,0 ngàn người chiếm tỷ lệ khoảng 87% và như vậy nguồn nhân lực trong các hoạt động dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics của tỉnh đòi hỏi cũng không ngừng được nâng lên tương ứng với nguồn lao động trong lĩnh vực dịch vụ.
Để lại một bình luận