Vùng biển, đảo
Ở nước ta, trong quá trình CNH, HĐH thì việc quy hoạch và phân định vùng kinh tế có ý nghĩa hết sức quan trọng trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả khu vực và cả nền kinh tế. Hiện tại, nước ta có các vùng kinh tế lớn như: Vùng Đông Bắc Bắc Bộ (Hà Nội – Hải Dương – Hải Phòng – Quảng Ninh); Vùng trọng điểm miền Trung (Đà Nẵng – Dung Quất – Chu Lai); Vùng Đông Nam Bộ (TP Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu).
Việc phân vùng kinh tế là cần thiết vì nó cho phép phối hợp giữa các tỉnh để sử dụng chung các nguồn lực, tài nguyên, thiên nhiên, các công trình hạ tầng lớn như: đường cao tốc, sân bay, nhà ga,… việc phân vùng này còn giúp các địa phương tránh được sự sử dụng riêng lẻ các nguồn lực, dẫn đến đầu tư dàn trải, không cần thiết gây lãng phí các nguồn tài nguyên của đất nước, đồng thời xác định được đầu tàu kinh tế tạo ra sự phát triển vùng và sự lan tỏa cho các vùng lân cận.
Vùng biển đảo là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ một không gian địa lý có nhiều đặc trưng tương đồng nhau. Nhưng khi gắn với một vùng kinh tế – vùng kinh tế biển đảo thì phải gắn với những tiềm năng kinh tế nhất định, gắn với một quy hoạch tăng trưởng và phát triển kinh tế nhất định và phải tương thích với một trình độ khai thác, sử dụng và quản lý nhất định.
Theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 thì vùng biển đảo được xác định bao gồm: vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa. Đây là vùng lãnh thổ, lãnh hải có nhiều đặc điểm riêng biệt về kinh tế, văn hóa – xã hội và an ninh – quốc phòng của các quốc gia có biển và hải đảo.
Vùng biển và hải đảo có lợi thế đặc thù của vùng ven biển, vùng biển, đảo, quần đảo, có thể phát triển đa dạng hóa việc khai thác các nguồn lợi từ biển, đảo như; khoáng sản, dầu khí, vận tải biển, du lịch biển đảo, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, dịch vụ đóng tàu, dịch vụ sửa chữa tàu biển… đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái biển, đảo.
Phát triển vùng biển, đảo là nhằm tăng năng lực, hiệu quả khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và những lợi thế từ biển, đảo, phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội, mà trước hết và quan trọng hơn cả là phát triển kinh tế – xã hội cho vùng biển, đảo, bao gồm: phát triển cơ sở hạ tầng vật chất (hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, bến cảng, vận tải biển, đóng mới và sửa chữa tàu…); phát triển văn hóa, giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, chăm sóc sức khỏe, cứu hộ, cứu nạn, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân vùng biển và hải đảo.
Phát triển vùng biển, đảo đã được các triều đại phong kiến Việt Nam đặc biệt chú trọng và ngày nay Đảng, Nhà nước ta cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về biển, đảo kể cả tích cực tham gia ký cam kết quốc tế về biển, đảo.
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo, vấn đề an ninh trên biển, đảo đang có nhiều diễn biến phức tạp, do vậy các quốc gia cần tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế vì mục tiêu hòa bình, ổn định cùng phát triển. Biển, đảo của nước ta không những là khu vực phát triển kinh tế đầy tiềm năng, là nơi án ngữ các trục giao thông huyết mạch trên biển, cùng với nguồn lợi về tài nguyên, kinh tế biển, mà còn là môi trường tác chiến quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy chúng ta, phải biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển kinh tế – xã hội; phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Để lại một bình luận