Để đánh giá tác động của yếu tố này đối với xuất khẩu hàng chế biến của Việt Nam sang thị trường EU, nghiên cứu sử dụng chỉ số về “nguồn vốn con người” trong mô hình trọng lực. Kết quả mô hình chỉ ra rằng, biến “nguồn vốn con người” của Việt Nam (HCit) có tác động tích cực đến xuất khẩu hàng chế biến sang thị trường EU. Khi nguồn vốn con người tăng lên 1% thì xuất khẩu hàng chế biến sẽ tăng 0,097%.
Trong thời kỳ công nghiệp hoá – hiện đại hoá, hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự phát triển của đất nước và tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Nguồn vốn con người chính là những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà mỗi con người tích lũy được trong quá trình học tập và lao động. Việc xây dựng nguồn vốn con người có trình độ cao là yếu tố quan trọng để Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị và đối phó với những thách thức mới cùng với sự ra đời của các công nghệ mới và “Cách mạng công nghiệp 4.0” đang diễn ra hiện nay. Bởi nguồn vốn con người có chất lượng tốt giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, từ đó tăng trưởng kinh tế và phát triển xuất khẩu. Sự yếu kém về trình độ của lực lượng lao động sẽ trở thành gánh nặng của nền kinh tế. Đặc biệt là trong ngành công nghiệp chế biến càng đòi hỏi nguồn nhân lực phải có trình độ cao đe tiếp thu và bắt kịp được với sự tiến bộ của công nghệ và sản xuất ra các hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, dân số cả nước năm 2016 khoảng 92,7 triệu người. Trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thì dân số Việt Nam đứng thứ 3 (sau Indonesia, Philippines), với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dân số có chiều hướng tăng lên ở khu vực thành thị. Năm 2016 lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của nước ta là 54,4 triệu người, chiếm 58,6% trong tổng dân số. Tỷ lệ lao động thuộc độ tuổi đã qua đào tạo năm 2011 là 16,3%, năm 2015 tăng lên 21,9%, đến năm 2016 là 20,9% và còn lại khoảng 79,1% (trên 43 triệu người) chưa được đào tạo nghề, hoặc được đào tạo thì còn hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp. Số người có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ đại học trở lên cũng chiếm tỷ lệ tăng dần qua các năm (năm 2011 là 6,1%, năm 2015 là 8,7%) nhưng đây vẫn là một tỷ lệ thấp. Rõ ràng, số liệu thống kê cho thấy chất lượng lao động ở Việt Nam hiện nay chưa cao. Việt Nam đang thiếu đội ngũ nhân lực có chất lượng tốt, công nhân lành nghề so với nhu cầu của xã hội đặt ra đe phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là đe tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Một lượng lớn nguồn nhân lực đã qua đào tạo chủ yếu thiên về lý thuyết, trong khi kỹ năng thực hành và khả năng thích nghi với môi trường cạnh tranh như hiện nay còn yếu. Chỉ những lao động có kỹ năng mới là tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, các ngành kinh tế trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động sản xuất và hoạt động quản lý. Mặc dù trong nhiều năm qua, xu hướng đô thị hóa đang gia tăng, nhưng theo Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2016, lực lượng lao động ở nông thôn chiếm đa số khoảng 66,6% lực lượng lao động của nền kinh tế. Khoảng cách về trình độ người lao động giữa khu vực thành thị và nông thôn rất lớn. Báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia chỉ ra một thực trạng đáng báo động là nguồn nhân lực của Việt Nam đang bị thiếu hụt lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhất là lao động bậc trung, mới chỉ đáp ứng được 20-30% nhu cầu lao động trong giai đoạn 2011-2015. Hiện nay, tại Việt Nam cung lao động dư thừa và lớn hơn so với cầu về lao động. Tuy nhiên, lượng cung lao động này chủ yếu là lao động phổ thông, lao động chưa qua đào tạo chiếm một tỷ lệ lớn và chất lượng lao động không cân đối giữa các khu vực trong cả nước. Theo số liệu của Viện Khoa học lao động – xã hội đưa ra năm 2016, 2/3 doanh nghiệp trong nước đều đánh giá một lượng lớn người lao động đang thiếu các kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng làm việc khác.
Hàng chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang EU tập trung vào các sản phẩm sử dụng nhiều lao động như hàng điện tử lắp ráp/điện thoại, giầy dép, hàng dệt may, đồ gỗ,… Một trong những ưu điểm của người lao động Việt Nam là sự cần cù, sáng tạo. Do vậy, người lao động có năng lực trong sản xuất những mặt hàng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, khéo léo. Hiện nay, số lượng lao động nước ta làm việc trong các ngành công nghiệp lắp ráp công nghệ cao cũng chiếm tỉ lệ khá lớn. Những năm gần đây, có rất nhiều các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam như Sam Sung, Toyota,… Các công ty đó đã nhận thấy đặc điểm nổi bật của lực lượng lao động nước ta, nhờ vậy cơ cấu lao động đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỉ lệ lao động công nghiệp, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế có thể thấy rằng, lực lượng lao động Việt Nam khá nhiều nhưng chất lượng lao động còn thấp thể hiện ở năng suất lao động thấp và năng lực sử dụng ngoại ngữ của người lao động hạn chế hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Việt Nam đang thiếu trầm trọng lao động có tay nghề giỏi. Đánh giá từ Ngân hàng Thế giới cho thấy năm 2016 chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt 3,79 điểm (tính theo thang điểm 10), đứng vị trí 11/12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng, chúng ta vẫn còn thiếu nhiều chuyên gia trình độ cao, các nhà quản lý giỏi và các công nhân lành nghề. Bởi vậy, nguồn lao động dồi dào nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động có trình độ. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp phải đi thuê lao động có trình độ tay nghề cao từ các nước khác và theo đó, giá thành sản phẩm tăng, hàng hóa của Việt Nam nói chung cũng như hàng chế biến của Việt Nam nói riêng rất khó cạnh tranh khi xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường khó tính như EU.
Một trong các nhân tố góp phần làm tăng năng suất của nền kinh tế, giúp nắm bắt những cơ hội tốt của hội nhập mang lại và hạn chế rủi ro, thách thức từ hội nhập là nâng cao chất lượng nguồn lao động Việt Nam. Đây là một vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong các doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần sớm đưa ra các giải pháp để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
Để lại một bình luận