Các sự kiện kinh doanh lớn luôn đánh dấu những thay đổi mang tính bước ngoặt của nền kinh tế. 10 sự kiện kinh doanh nổi bật trong năm 2013 do Forbes Việt Nam bình chọn cho thấy một bức tranh toàn cảnh với những gam màu đối lập của kinh tế Việt Nam trong năm 2013.
1. Quốc hội giảm thuế cứu doanh nghiệp
2013 được ghi nhận là một năm chất chồng khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, 11 tháng đầu năm 2013, tổng số doanh nghiệp phải giải thể, dừng hoạt động lên tới 54.932, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, có 8.857 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể, 46.075 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động.
Mặc dù vậy, sức sống của giới kinh doanh vẫn bền bỉ: Trong 11 tháng đầu năm 2011, có 71.018 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 359.470 tỉ đồng. Nếu so với cùng kỳ năm 2012, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng 9,5% tuy nhiên số vốn đăng ký giảm 15,4%.
Trước tình hình khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp, tài kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thông qua nghị quyết cho phép giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 22%, áp dụng từ ngày 1.1.2014. Mức thuế này sẽ giảm tiếp còn 20% vào đầu năm 2016.
2. Ngành điện tử lên ngôi
Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện tử tăng nhanh trong năm 2013, đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành điện tử.
Khi nhấn nút khởi công xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại Samsung tại Thái Nguyên hồi tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Chính phủ hoan nghênh việc Samsung xác định Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu và tiếp tục mở rộng quy mô, thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của Hàn Quốc vào Việt Nam”. Chưa đầy sáu tháng sau đó, Samsung trở thành một trong những tập đoàn FDI rót vốn lớn nhất vào Việt Nam với con số công bố 5,73 tỉ đô la Mỹ tính đến nay. Khu tổ hợp công nghệ đầu tiên của Samsung tại Bắc Ninh đã đưa ngành điện tử lên ngôi với doanh thu xuất khẩu đến năm 2013 vượt mốc 20 tỉ đô la Mỹ, cùng với hơn 60 nhà sản xuất khác vào Việt Nam cung ứng các dịch vụ phụ trợ. Với thành công của ngành điện tử, tập đoàn Samsung còn đặt tham vọng đầu tư vào các ngành công nghiệp khác tại Việt Nam như năng lượng, hóa dầu, hàng không…
3. Khởi công dự án lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam
Cùng với Dung Quất, khi hoàn thành, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ bảo đảm hơn 50% nhu cầu xăng dầu của cả nước.
Trong đoạn mở đầu bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ động thổ chính thức xây dựng nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ngày 23.10.2013, chữ “nhất” được lặp lại 2 lần: “Hôm nay, chúng ta rất vui mừng có mặt tại đây để chính thức – tôi xin nhấn mạnh là chính thức – khởi công xây dựng dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn – Thanh Hóa. Đây là dự án liên hợp lọc hóa dầu có quy mô lớn nhất, công nghệ hiện đại nhất được xây dựng tại nước ta cho đến thời điểm hiện nay”.
Với vốn đầu tư hơn 9 tỉ USD, dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay. Dự án là liên doanh giữa tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, công ty dầu khí quốc tế Kuwait (Kuwait International Petroleum), công ty Idemitsu Kosan (đứng thứ 685, danh sách Global 2000 của Forbes) và công ty hóa chất Mitsui. Phía Việt Nam góp 25,1% vốn, phía Kuwait góp 35,1%, còn lại là phía hai công ty Nhật Bản. Trước khi khởi công chính thức, dự án đã trải qua 7 năm đàm phán, chuẩn bị đầu tư, có lúc bị trì hoãn một thời gian liên quan đến vấn đề thu xếp vốn.
4. Nợ xấu vẫn xấu?
Xử lý nợ xấu trong doanh nghiệp là thách thức hàng đầu trong năm 2013 và công việc này còn tiếp tục trong năm 2014.
VAMC, công ty quản lý tài sanr cho các tổ chức tín dụng, là mô hình đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, với vốn điều lệ 500 tỉ đồng, chính thức mua nợ xấu từ cuối tháng 10, và được kỳ vọng là công cụ hữu hiệu giảm bớt áp lực nợ xấu, khơi thông cục máu đông tín dụng cho nền kinh tế. Theo đó, những ngân hàng có nợ xấu trên 3% tổng dư nợ bắt buộc phải bán nợ cho VAMC. Phó thống đốc Lê Minh Hưng, tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đầu tháng 12 qua cho hay tính đến 2.11.2013, VAMC đã mua được tổng số nợ xấu với số dư nợ gốc gần 18.400 tỉ đồng với giá mua là 14.398 tỉ đồng. Dự kiến đến hết năm 2013, VAMC sẽ mua được khoảng từ 30-35 ngàn tỉ đồng nợ xấu.
Mặc dù vậy, các con số thống kê cho thấy tình hình nợ xấu của ngân hàng ngày càng xấu hơn. Theo báo cáo chính thức, tính đến cuối tháng 9.2013, tổng nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng là 142,33 ngàn tỉ đồng, chiếm 4,62% tổng dư nợ, tăng 20,2% so với cuối năm 2012. Tổng số nợ xấu được xử lý trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2913 là 101,7 ngàn tỉ đồng, trong đó, năm 2012 là 69,2 ngàn tỉ đồng và 9 tháng đầu năm 2013 là 32,5 ngàn tỉ đồng. Với tăng trưởng tín dụng thấp và tỉ lệ nợ xấu cao, năm 2013, các ngân hàng đang gồng mình duy trì cán cân tài chính mà vẫn không đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 10-12% mà ngân hàng Nhà nước đặt ra.
5. Tái cơ cấu ngân hàng: bước khởi đầu
Sáp nhập, thay đổi chủ sở hữu đang diễn ra, nhưng phần lớn công việc tái cơ cấu và cải tổ các ngân hàng yếu kém mới chỉ dựng ở bề mặt.
Từ sau ngày 20.12, cái tên DaiABank biến mất với việc ngân hàng này sáp nhập vào ngân hàng HDBank. Ngân hàng sau sáp nhập có vốn điều lệ 8.100 tỉ đồng, tổng tài sản trên 70 ngàn tỉ đồng với mạng lưới hoạt động hơn 210 điểm giao dịch. Khác với cuộc sáp nhập đầu tiên đầy vội vã của ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), đây là sự sáp nhập tự nguyện và được chuẩn bị kỹ lưỡng của hai ngân hàng không bị xếp vào danh sách những ngân hàng yếu kém. Trong khi đó, tai mắt trên thị trườngđang dõi theo thỏa thuận hợp tác giữa Eximbank và Sacom-bank, trong đó hướng đến khả năng hợp nhất hai ngân hàng này.
Tái cấu trúc lĩnh vực ngân hagnf tiếp tục là vấn đề quan trọng hàng đầu của nền kinh tế kẻ từ khi ngân hàng nhà nước công bố chủ trương tái cơ cấu toàn diện hệ thống ngân hàng vào năm 2011 lộ trình đến năm 2015. Trong đợt tái cấu trúc 2011 -2013, tổng cộng 9 ngân hàng đã được sắp xếp lại, nguy cơ đổ vỡ, mất thanh khoản dần được loại trừ.
Quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém được khởi động bằng thương vụ hợp nhất 3 ngân hàng SCB, Tín Nghĩa, Đệ Nhất vào cuối 2011, trở thành ngân hàng SCB. Sau đó tới lượt ngân hàng Gia Định được cơ cấu lại và trở thành ngân hàng Bản Việt; kế tiếp với việc Habubank sáp nhập SHB năm 2012. Trong năm nay, cùng lúc với HDBank, ngân hàng Western Bank hợp nhất với tổng công ty cổ phần Tài chính Dầu khí (PVFC) thành ngân hàng Đại Chúng (PVComBank, đưa quy mô tài sản ngân hàng mới lên hơn 100 ngàn tỉ đồng. Trước đó, có hai ngân hàng tự nguyện tái cơ cấu với sự tham gia của nhà đầu tư mới, là ngân hàng Đại Tín (TrustBank), sau khi được tập đoàn Thiên Thanh đầu tư đã đổi tên thành ngân hàng Xây dựng Việt Nam; và Tienphong Bank sau khi được tập đoàn Doji mua lại từ FPT đã đổi tên thành TP Bank. Trong 9 ngân hàng yếu, chỉ còn GPBank chưa chốt phương án tái cơ cấu.
6. Bán lẻ hiện đại sôi động
Những chuỗi bán lẻ khổng lồ liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Khu Aeon – Celadon Tân Phú (TP. HCM) sắp khai trương, đánh dấu sự khởi đầu của hãng bán lẻ có quy mô lớn thứ tư toàn cầu với kế hoạch rót 1,5 tỉ đô la Mỹ để thiết lập chuỗi 20 trung tâm mua sắm tại Việt Nam đến năm 2020.
Hàng loạt trung tâm thương mại cao cấp được mở cửa ngay thời điểm kinh tế khó khăn như Vincom Royal City, Tràng Tiền Plaza, Marina Plaza, Melinh Shopping Mall, Parkson Landmark… Các thương hiệu siêu thị bán lẻ lớn như Co.opMart, Big C, Metro Cash & Carry, Lotte, OceanMart, Dairy Farm năm qua cũng liên tục mở rộng chuỗi tại nhiều thành phố lớn. Tiếp sức cho ngành bán lẻ còn ở sự chú trọng đầu tư mạn hơn vào kênh bán hàng trực tuyến, chăm sóc khách hàng qua mạng xã hội và quảng bá mua sắm qua truyền hình như HTV Co.op, Lotte Đất Việt…
Dấu ấn ngành bán lẻ hiện đại còn ở các chuỗi cửa hàng tiện lợi. Tập đoàn BJC (Thái Lan) đã thâu tóm liên doanh Phú Thái-FamilyMart và đổi tên chuỗi thành B’s Mart. Sauk hi kết thúc liên doanh với Phú Thái, tập đoàn FamilyMart (Nhật) cũng lập tức công bố tiếp tục hoạt động tại Việt Nam với mục tiêu thiết lập 300 cửa hàng FamilyMart trong 5 năm. Trong khi Shop&Go, Circle K, G7-Ministop, B&B… cũng tăng dần độ phủ với dấu ấn của Shop&Go – thương hiệu đầu tiên cán đích chuỗi 100 cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam.
7. Lập lại trật tự thị trường vàng
Ngân hàng Nhà nước là người cung ứng vàng miếng, với tư cách người mua bán cuối cùng.
Xen kẽ những đợt phục hồi ngắn, cú trượt dài của giá vàng kéo dài cả năm 2013 không làm cho khoảng cách giữa giá vàng quốc tế và trong nước giảm đi đáng kể. Tính đến cuối tháng 11.2013 giá vàng sụt giảm gần 25% tính từ đầu năm và khoảng 35% từ đỉnh cao nhất. Điều khác biệt so với những năm trước đây diễn biến trên thị trwongf vàng trong nước tương đối êm ả, không còn cảnh xếp hàng chờ mua vàng như hai năm trước. Khi ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện nghị định 24/2012/NĐ-CP bình ổn thị trường vàng, thương hiệu SJC thuộc quyền sở hữu của nhà nước và các ngân hàng buộc phải cân bằng trạng thái huy động – cho vay vàng vào giữa năm 2013.
Tuy tạo ra nhiều tác động tích cực nhưng việc bình ổn thị trường vàng chưa đáp ứng tất cả các kỳ vọng, khi bản tin kinh tế vĩ mô số 9 công bố cuối quý 3.2013, ủy ban Kinh tế của Quốc hội viết: “Quản lý thị trường vàng chưa đạt được mục tiêu quan trọng do Quốc hội đặt ra là giảm sự chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế. Mặc dù, NHNN liên tục cung cấp khối lượng vàng quy mô lớn thông qua các phiên đấu thầu, chênh lệch giá vàng vẫn duy trì ở mức đáng kể”.
8. Chuyển giá tiếp tục nổi cộm
Các cuộc thanh tra chống chuyển giá tại hàng ngàn doanh nghiệp mỗi năm, xử lý giảm lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng.
Kỷ lục về chuyển giá được ghi nhận đến nay thuộc về Keangnam Vina (Hàn Quốc) với giá trị cơ quan thuế buộc phải điều chỉnh lên tới 1.220 tỉ đồng và số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu hơn 95 tỉ đồng. Một cái tên khác, Hualon Corporation đã báo lỗ liên tục trong 20 năm kể từ khi hoạt động tại Việt Nam, nổi bật với vụ nâng khống giá đầu vào dây chuyền dệt vải với đối tác liên kết 16 triệu đô la Mỹ nhưng bán lại với giá 400 ngàn đô la Mỹ và báo lỗ lên đến 956 tỉ đồng. Đây chỉ là hai “điển hình” về chuyển giá được ghi nhận trong năm 2013, trong danh sách nghi vấn “chuyển giá, trốn thuế” ngày một dài và báo động về tính chất phức tạp, các thủ thuật tinh vi, và thiếu kinh nghiệp kiểm soát.
Ngành thuế đã “điểm mặt” nhiều tên tuổi làm ăn lâu năm tại Việt Nam vào diện “nghi vấn chuyển giá”, từ Coca-Cola, Metro Cash & Carry, Adidas, Posco VST, Anco, Nestle, Suzuki, Toshiba Asia… Từ năm 2011 đến nay, các cuộc thanh tra chống chuyển giá tại hàng ngàn doanh nghiệp mỗi năm, xử lý giảm lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng và mức truy thu, phạt và truy hoàn thuế tăng lên hàng ngàn tỉ đồng. Đơn cử thanh tra đặc biệt của ngành thuế tại 122 doanh nghiệp có nghi vấn chuyển giá đã điều chỉnh giảm lỗ phát sinh và giảm chuyển lỗ lên đên 2.252 tỉ đồng, tổng số tiền thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp này tăng lên 2.600 tỉ đồng và thu nhập chịu thuế sau thanh tra tăng lên 839 tỉ đồng so với kỳ trước đó.
9. Tấp nập nhượng quyền
Hiện có 105 công ty nước ngoài đang thực hiện đăng ký nhượng quyền vào Việt Nam, chủ yếu là lĩnh vực ăn uống thực phẩm.
Sau sự kiện chuỗi cà phê lớn nhất thế giới Starbucks chính thức mở cửa hàng nhượng quyền đầu tiên tại Việt Nam đầu năm 2013 đánh dấu một bước thay đổi lớn trong hoạt động kinh doanh nhượng quyền quy mô lớn tại thị trường Việt Nam. Nửa năm sau, McDonald’s, chuỗi nhà hàng ăn nhanh lớn nhất của Mỹ, công bố Good Day Hospitality, công ty nhận nhượng quyền của thương hiệu này tại Việt Nam. Chỉ trong vòng hai tháng kế tiếp, chuỗi cà phê và bánh ngọt Dunkin’ Donuts của Mỹ và hãng kem Dairy Queen tiếp tục xuất hiện làm dấy mạnh làn sóng kinh doanh nhượng quyền.
Với việc đổ bộ của các thương hiệu mới, Việt Nam đang chứng kiến một sự phân tách trong nhượng quyền kinh doanh: trong khi các thương hiệu mới đang chạy đua mở rộng chuỗi thì các thương hiệu nhượng quyền có mặt từ lâu tập trung hơn vào đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh và bám trụ các địa điểm “đẻ trứng vàng” cho họ. Mặc dù vậy, 2013 không phải một năm sáng sủa với các ngành tiêu dùng. Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường TNS, tiêu dùng cho giải trí và ăn uống bị giảm sút trong năm nay và tình hình cũng chưa có hứa hẹn sẽ tốt trong năm tới.
10. Trách nhiệm xã hội
2013 là năm “nóng” với những sức ép thực sự về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Tháng 5.2013 tổ chức phi chính phủ Glabal Witness đã có những công bố việc khai thác rừng làm tổn hai đến môi trường sinh thái và xã hội của công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trong quá trình khai thác cao su ở Lào và Campuchia mở đầu cho một năm thật sự nóng về vấn đề trách nhiệm xã hội của donah nghiệp (CSR: corporate social responsibility). Mặc dù HAGL bác bỏ cáo buộc này xong vấn đề cho thấy là giờ đây trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ nằm trong sự kiểm soát của người dân và cơ quan chức năng trong nước mà nó còn nằm trong tầm “ngắm” thậm chí là gắt gao của các tổ chức nước ngoài.
Trách nhiệm xã hội trong những năm gần đây, trở thành nhu cầu tự thân của doanh nghiệp. Dư luận xã hội nghi nhận những nỗ lực của nhiều doanh nghiệp với xã hội thông qua những hoạt động từ thiện, đóng góp vào việc xây dựng, cải tạo môi trường cuộc sống ở nhiều nơi… Tuy nhiên, dư luận xã hội và cơ quan quản lý cũng đã thể hiện thái độ quyết liệt với những doanh nghiệp không những không đếm xỉa đến trách nhiệm xã hội mà còn vì lợi ích riêng của mình đã có những hành vi làm tổn hại nghiệm trọng đến những giá trị của môi trường, của cộng đồng.
Để lại một bình luận